Tại sao phải kiểm soát tiến triển của cận thị?

Nếu độ cận thị cao, đáy mắt càng thoái hóa, việc mổ chỉ thay thế cái kính chứ thị lực không thể hồi phục được nữa.

 

“Ở Việt Nam, người mắc cận thị đang gia tăng mạnh. Trong đó, tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ cận thị có thể lên tới 50-70% ở học sinh”, đó là con số đáng báo động mà TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ với Báo TNVN.

Tiến sĩ đánh giá như thế nào về tình trạng cận thị ở nước ta?

Cận thị là tật khúc xạ phổ biến, tỷ lệ cận thị và mức độ cận đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi học đường, chiếm khoảng 25% tổng dân số trên thế giới. Tỷ lệ cận thị tăng nhanh từ 21% lên 41%  ở Mỹ trong vòng 3 thập kỷ qua. Tỷ lệ cận thị tới 85-90% ở thanh niên tại những nước như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông… Sự “bùng nổ” cận thị đang được xem là “đại dịch”.

Ở Việt Nam, tỷ lệ cận thị cũng gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong đó, tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ cận thị có thể lên tới 50-70% ở học sinh. Tỷ lệ cận thị gia tăng theo từng cấp học, thành thị cao hơn nông thôn. Tỷ lệ cận thị nặng (trên 6.00 đi-ốp (D) cũng tăng tương ứng. Ước tính đến năm 2050, số người cận thị trên thế giới sẽ vào khoảng 5 tỷ và 1/5 trong số đấy sẽ là cận thị nặng. Người ta đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ cận thị tăng rất cao ở Đông Nam Á và con số cận thị sẽ chiếm khoảng trên 50% dân số vào năm 2050. Ở Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê để đánh giá tình hình cận thị chung, tuy nhiên theo thông báo của BV Mắt T.Ư thì tỷ lệ cận thị ở Việt Nam chiếm khoảng 30% dân số. Vào những tháng cao điểm như mùa hè, số trẻ đến bệnh viện này khám tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng khoảng 1.000 trẻ/ngày (chiếm 40-50% bệnh nhân).

TS.BS Nguyễn Thị Thu HiềnNguyên nhân nào dẫn tới tình trạng đáng báo động này, thưa tiến sĩ?

Cận thị là do sự mất cân bằng giữa trục nhãn cầu và công suất quang hệ của mắt. Có thể phân loại theo 3 mức độ: cận thị nhẹ (dưới 3D); cận thị trung bình (từ 3D đến dưới 6D); cận thị nặng (từ 6D trở lên). Hiện nay, trên thế giới các nhà nghiên cứu đã đưa ra 2 nguyên nhân chính là do di truyền và mắc phải. Trong đó yếu tố di truyền chiếm khoảng 25-30%, gây cận thị thoái hóa. Còn yếu tố mắc phải bao gồm môi trường nhìn là yếu tố rất quan trọng gây ra cận thị và gây tăng số cận thị; Do ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và nhìn ở khoảng cách gần, kéo dài, thường xuyên; Yếu tố địa lý (vùng châu Á có tỷ lệ cận cao hơn các khu vực khác, đặc biệt Đông Á. Khu vực thành thị tỷ lệ cận thị cao hơn nông thôn); Các bệnh lý của võng mạc gây cản trở sự tạo ảnh trên võng mạc khi trẻ còn nhỏ, chẳng hạn như bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non…

Việc gia tăng độ cận thị có nguy cơ ảnh hưởng tới thị lực cũng như biến chứng nguy hiểm gì?

Cận thị nặng là hậu quả của việc gia tăng độ cận thị, không chỉ ảnh hưởng lớn tới thị lực mà còn có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa thị lực nghiêm trọng như bong võng mạc, thoái hóa hắc võng mạc, lỗ hoàng điểm, glôcôm… Việc kiểm soát tiến triển cận thị đang là thách thức với ngành nhãn khoa trên toàn thế giới. Biến chứng về chức năng: ở trẻ em nhược thị do không đeo kính hoặc đeo kính không đủ số; Về thực thể: Với cận thị mức độ nặng >6.00D có thể gây các tổn thương thực thể như: dịch kính hóa lỏng, bong dịch kính sau; Thoái hóa võng mạc chu biên, các lỗ rách võng mạc chu biên; bong võng mạc, mất chức năng.

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền đang khám và tư vấn tật khúc xạ cho bệnh nhi. Nguy cơ tiến triển cận thị nhanh khi mức độ cận trung bình tăng ≥0.75D/1 năm, sẽ làm trục nhãn cầu dài ra, nguy cơ gây thoái hóa võng mạc và bong võng mạc… Điều đáng nói, cận thị càng xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ thì mức độ tiến triển càng nhanh, làm tăng tỷ lệ cận thị nặng và gây nhiều nguy cơ biến chứng khi lớn tuổi. Thế nhưng, từ trước tới giờ, hầu hết chúng ta chỉ quan tâm tới việc điều trị cận thị chứ chưa quan tâm đến việc phòng chống cận thị và hạn chế tăng số cận thị.

Vậy tiến sĩ có khuyến cáo gì về việc điều trị cận thị ở trẻ?

Tùy thuộc vào tuổi, mức độ cận thị, nhu cầu và khả năng chi trả của bệnh nhân để quyết định lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Các phương pháp điều trị gồm: Đeo kính gọng (sử dụng mắt kính cầu trừ lắp trên gọng kính để chỉnh cận thị), đeo kính tiếp xúc, phẫu thuật. Cho đến thời điểm này chúng tôi đã áp dụng kính áp tròng sử dụng vào ban đêm giúp hạn chế tăng độ cận thị rất tốt.

Với người cận thị nặng thì việc lựa chọn phương pháp mổ sẽ không còn đơn giản, chi phí càng đắt và nguy cơ bong võng mạc càng cao. Bởi việc phẫu thuật chỉ giải quyết được việc không phải đeo kính (dù cận trên 20 D). Nhưng lúc này liệu có mổ được bằng phương pháp laser trên giác mạc hay không còn phụ thuộc vào độ cận không quá cao, giác mạc phải đủ dày. Điều đáng nói, nếu độ cận cao, đáy mắt càng thoái hóa, việc mổ chỉ thay thế cái kính chứ thị lực không thể hồi phục được nữa.  

Cha mẹ phải làm gì để kiểm soát cận thị cho con?

Điều trị cận thị có 2 mục đích: cải thiện thị lực bằng kính hoặc phẫu thuật. Hạn chế tiến triển cận thị bằng thuốc Atropin hoặc bằng kính và cải thiện môi trường nhìn như tăng hoạt động ngoài trời, hạn chế nhìn gần, cho mắt được nghỉ ngơi, tránh điều tiết quá mức… Dưới ánh sáng của mặt trời thì võng mạc của đứa trẻ sẽ tiết ra chất Dopamin giúp cho việc ngăn ngừa cận thị và hạn chế cận thị. Theo nghiên cứu của TS nhãn khoa Donald Mutti của Đại học Nhãn khoa bang Ohio cho thấy: “Nếu hoạt động ngoài trời hơn 14 giờ trong tuần, một trẻ có gen di truyền cận thị sẽ giảm nguy cơ phải đeo kính xuống còn 1/3”. Tại Singapore, các chiến dịch sức khỏe cộng đồng khuyến khích trẻ có thêm thời gian hoạt động ở ngoài trời để phòng cận thị.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Lưu Hường thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận