Nghị lực vươn lên của người đàn ông khiếm thị

Bị khiếm thị nhưng ông Phạm Hữu Tấn (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) đã tự vươn lên và tích cực tham gia công tác Hội Người mù, giúp đỡ những mảnh đời cùng cảnh ngộ.

 

Với ông Y Côn Bkrông, ở xã Drai Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, thì ông Phạm Hữu Tấn vừa là ân nhân vừa là thân nhân. Ông Y Côn cho biết, mình bị khiếm thị bẩm sinh, lại phải nuôi mẹ già và người anh trai cũng bị khiếm thị nên cuộc sống rất chật vật. Nhưng được Hội người mù huyện Krông Ana giới thiệu cho đi học chữ nổi, học nghề xoa bóp bấm huyệt và tham gia một chương trình từ thiện trên truyền hình, ông Y Côn đã có được một số tiền để mua sắm vật dụng và mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt. Ông Y Côn chia sẻ, nhờ có Hội người mù, nhất là sự giúp đỡ từ ông Phạm Hữu Tấn, ông đã có được công việc ổn định, có thu nhập trang trải cho bản thân và nuôi gia đình.

Ở Krông Ana còn có nhiều người khiếm thị khác có được sinh kế ổn định như ông Y Côn. Hơn 6 năm làm Phó chủ tịch Hội người mù huyện Krông Ana, ông Phạm Hữu Tấn đã quen với việc lặn lội đến nhà hội viên để vận động họ tham gia các hoạt động của hội hay đi học chữ, học nghề. Tuy mắt trái chỉ còn 1/10 thị lực, mắt phải thì mù hoàn toàn, nhưng ông vẫn luôn lạc quan, nhiệt tình với công việc. Ông tích cực tham gia các phong trào do Hội cấp trên phát động, cùng với Ban Chấp hành Hội đưa ra những định hướng giúp Hội phát triển. Ông cũng thường xuyên quan tâm sâu sát hội viên, vận động họ tham gia các lớp học chữ, học nghề phù hợp với bản thân, mạnh dạn vay vốn làm ăn, sản xuất hoặc buôn bán nhỏ… để tạo nguồn thu nhập tự nuôi sống bản thân và giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Ông Phạm Hữu Tấn (bìa trái) trò chuyện với các hội viên (ảnh Báo Đắk Lắk)

Thời gian qua, ông Tấn đã vận động được 14 hội viên tham gia học chữ nổi và học nghề xoa bóp. Sau khi học xong các hội viên đều biết đọc, biết viết và có việc làm ổn định. Thông qua hoạt động của Hội người mù huyện Krông Ana, ông đã vận động xây dựng, sửa chữa 3 căn nhà Đại đoàn kết cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi các tổ chức, cá nhân thăm hỏi và tặng quà cho hội viên vào các dịp lễ, Tết.

Ông Phạm Hữu Tấn tâm sự: “Mình cũng là người khuyết tật, cố gắng để vươn lên trong cuộc sống, tự tin vào bản thân. Mình lên kế hoạch đi vận động hội viên, nghe ngóng chỗ nào có người mù thì đến vận động. Ví dụ như dạy nghề thì tôi phải đích thân đưa họ đi tận Nha Trang. Trên đường đi bắt xe cho họ và lo cho ăn, vệ sinh dọc đường; đến trung tâm thì mới bàn giao hồ sơ cho trung tâm, bàn giao người, xong mới yên tâm đi về. Đối với đơn vị tài trợ thì nghe ngóng ở đâu họ hay làm từ thiện là tôi đi tìm hiểu trước”.

Không chỉ là cán bộ Hội năng nổ, nhiệt tình, ông Tấn còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Năm 2015, với số tiền 10 triệu đồng được vay từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, ông đã cần mẫn cải tạo, chăm sóc vườn cà phê 1ha. Mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Krông Ana để chăn nuôi gà, vịt và trồng tiêu, điều, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

“Như người bình thường, người đàn ông là người trụ cột gia đình thì phải lo toan tất cả công việc trong gia đình. Tôi là người khuyết tật thì cố gắng làm việc gì đó hữu ích cho bản thân, sau đó là cho gia đình và xã hội. Hằng ngày, tôi trực ở văn phòng xong rồi về nhà. Tất cả vườn tiêu đều do tôi mò mẫm tự làm để tạo động lực cuộc sống của chính mình và cho con cái sau này nữa”, ông Tấn chia sẻ.

Niềm hạnh phúc với ông Phạm Hữu Tấn là có một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền và 2 cô con gái ngoan ngoãn. Ông Tấn tâm sự, trong giai đoạn bị mất đi ánh sáng, chính vợ ông là người đã gánh vác kinh tế gia đình và chạy ngược xuôi đưa ông đi chữa trị. Hai con gái cũng rất hiểu chuyện và biết bảo ban nhau giúp đỡ bố mẹ. Em Phạm Vân Thư, con gái út ông Tấn bộc bạch, tuy không lành lặn nhưng bố rất yêu thương và chăm sóc cho em. Hai bố con cũng rất thân thiết, giống như hai người bạn.

“Mặc dù không nhìn thấy nhưng bố vẫn dẫn con đi chơi, chở con đi học. Con còn nhớ hồi nhỏ bố cõng con trên lưng dẫn đi chơi khắp làng và đút cho con ăn. Bố và em như hai người bạn. Bố là một người bố tuyệt vời”, Thư kể.

Vượt lên những khó khăn khi mất đi ánh sáng đôi mắt, ông Phạm Hữu Tấn vẫn lạc quan, vui vẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội. Những nỗ lực của ông trong cuộc sống và công việc đã tiếp thêm nghị lực cho nhiều mảnh đời cùng cảnh ngộ quanh ông, nhất là người mù có thêm nghị lực vượt qua hoàn cảnh, tự lập bằng sức lao động của chính mình, hòa nhập tốt với cộng đồng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận