Cờ Việt Nam tung bay ở Nam Cực và chuyện về hành trình chống biến đổi khí hậu

Câu chuyện về chuyến đi của Minh Hồng, lá cờ Tổ quốc chị đem đến Nam Cực, những hành động của chị sau chuyến đi đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.

 

Năm 1997, Hoàng Thị Minh Hồng lúc đó mới 24 tuổi, trở thành người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực cùng với một đoàn thám hiểm Nam Cực gồm nhiều thanh niên của các quốc gia. Từ đó đến nay, câu chuyện về chuyến đi của chị, về lá cờ Tổ quốc chị đem đến Nam Cực, những hành động của chị sau chuyến đi đó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, mà phần đông là các bạn trẻ.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng với lá cờ Tổ quốc tại Nam Cực năm 1997.

Những cuộc trao đổi, thảo luận ở các hoạt động về môi trường mà Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển- CHANGE tổ chức. Trung tâm với gần 30 người trẻ, các hoạt động, dự án mà trung tâm thực hiện, đeo đuổi cũng chủ yếu dành cho người trẻ. Nhưng những vấn đề mà các hoạt động hướng tới thì lại dành cho tất cả mọi người, cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Người điều hành trung tâm này là một phụ nữ không xa lạ với những người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế yêu môi trường, hết lòng vì các hoạt động chống biến đổi khí hậu- Chị Hoàng Thị Minh Hồng- Người Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực, cắm cờ Tổ quốc ở Nam Cực, mặc áo dài Việt Nam tại Nam Cực vào năm 1997.

Chị Minh Hồng chia sẻ: "Mình nghĩ mình là người đầu tiên đi thì phải mang theo cái gì đấy. Đầu tiên la nghĩ đến Quốc kỳ, rồi áo dài, thế là mang cả hai đi. Thậm chí, lúc đó đi là cuối năm nên mang theo cả bánh chưng, hạt sen, những thứ thuộc về Tết cổ truyền vì sẽ đi xuyên qua cả tết. Nói chung, tôi đem theo những thứ để xác định mình là người Việt Nam. Thế là Quốc kỳ treo lên, mặc áo dài. Bạn hình dung trong không gian toàn màu trắng của tuyết và đại dương xanh thẳm, màu đỏ của Quốc kỳ, của áo dài nổi bần bật. Cảm xúc ấy thật khó tả".

Chuyến đi đến Nam Cực không chỉ kết thúc khi chị Minh Hồng trở về Việt Nam, mà trở thành chuyến đi kéo dài mãi đến bây giờ và sau này. Bởi chuyến đi đó đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn cuộc sống, cách hành động, cách làm việc của chị. Từ Nam Cực trở về, Minh Hồng đầy nhiệt huyết và trăn trở với các hoạt động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng tại một diễn đàn về môi trường.

Năm 1997, internet gần như chưa có, thông tin chưa được rộng rãi và lan tỏa như bây giờ. Các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng cuộc sống…cũng còn rất mơ hồ ở Việt Nam. Đồng thời, bạn bè thế giới trong lĩnh vực này cũng biết rất ít về Việt Nam, về các hoạt động tham gia chống biến đổi khí hậu ở đất nước này. Minh Hồng đã đi nhiều nơi, nói nhiều điều về những gì mình đã thấy và đã hiểu sâu chuyến đi Nam Cực, về sự cần thiết phải hành động vì môi trường, vì khí hậu. Bất cứ cuộc diễn thuyết nào, hoạt động cộng đồng nào, lời mời nói chuyện nào về vấn đề này, chị đều vui vẻ nhận lời và làm hết mình. Nhưng kết quả không như mong đợi: "Sau chuyến đi trở về, mình không nhớ là mình đã có bao nhiêu taklshow, những buổi nói chuyện với hàng ngàn bạn trẻ và mình tin là mình sẽ truyền được cảm hứng cho mọi người và mọi người cùng tham gia với mình. Nhưng mọi người đến nghe, thấy thú vị và vỗ tay, rồi đi về, không ai cùng mình tết. Phải đến 4-5 năm, mình có nhiều hoạt động cộng đồng ở nhiều tỉnh thành, tham gia kêu gọi các câu lạc bộ thanh niên nhưng sau đó mình vẫn một mình, không ai hỗ trợ. Mình nhận ra rằng, làm việc cộng đồng không phải dễ, đồng thời mình vẫn tin rằng, vấn đề môi trường ở Việt Nam mà không kêu gọi được cộng đồng cùng làm thì không giải quyết được".

Hoàng Thị Minh Hồng không vì thế mà lùi bước. Chị tìm một hướng đi khác. Năm 2009, lần thứ hai trở lại Nam Cực, chứng kiến sự nóng lên của khí hậu toàn cầu với những bằng chứng rõ nét, Hoàng Thị Minh Hồng càng thêm quyết tâm hành động. Chị làm việc cho các dự án môi trường, làm việc cho các tổ chức phi chính phủ để học hỏi cách làm của họ, tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục con đường của mình. Sau nhiều năm làm việc cho một số dự án và WWF, Minh Hồng quyết định khởi nghiệp bằng cách lập tổ chức hoạt động xã hội trong lĩnh vực môi trường- khí hậu. Và CHANGE ra đời. Năm 2018, Minh Hồng còn vinh dự nhận học bổng của Chương trình Học giả Quỹ Obama.

Với CHANGE, Minh Hồng không chỉ tìm được nguồn tài chính để hiện thực hóa các dự án, hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam, mà còn tập hợp được nhiều bạn trẻ có chung nhiệt huyết, trăn trở về vấn đề này và giúp các bạn rút ngắn quãng thời gian khở đầu khó khăn mà chị từng trải qua. Tất cả các hoạt động của CHANGE, nếu bạn quan tâm, từng chứng kiến, từng tham gia hoặc chỉ tìm đọc- nghe- xem trên internet, bạn sẽ thấy rất hiện đại, hấp dẫn, cụ thể và thiết thực. Ở đó, bạn sẽ thấy rằng, ai cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển bằng những việc làm nhỏ nhất.

"Mình xây dựng một đội ngũ những người trẻ như mình và mình giúp các bạn nuôi dưỡng ước mơ, kế hoạch ấy chứ không khó khăn như mình. Mình nghĩ rằng, duy trì một phong trào môi trường do chính cộng đồng quản lý, đứng đầu, có ý tưởng và xuất phát từ chính vần đề của cộng đồng bạn đang sống thì mời thật sự thực tế. Cho nên, việc xây dựng phong trào môi trường do chính cộng đồng thực hiện là điều quan trọng nhất"- Minh Hồng chia sẻ.

Ngô Thị Thanh Thảo - một thành viên của CHANGE.

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc những tưởng chừng quá to tát, vĩ đại bỗng trở nên rất gần gũi, nhẹ nhàng và dễ thực hiện. Hình ảnh lá cờ Việt Nam đỏ thắm tung bay giữa Nam Cực mênh mông tuyết trắng và nước biển xanh năm nào không chỉ sống trong tâm trí Hoàng Thị Minh Hồng. Hình sảnh đó đã biến thành hành động, để Việt Nam tham gia vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu của thế giới và để thế giới biết đến một Việt Nam.

Trong những người trẻ làm việc ở CHANGE, có Ngô Thị Thanh Thảo, từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, nhưng tìm thấy niềm vui của mình trong hoạt động môi trường. Với Thảo, tinh thần tự hào dân tộc, tự hào về thế hệ trẻ Việt Nam có ở trong những việc làm hàng ngày, hàng tháng, trong từng dự án của CHANGE: "Có một lần, một cô ở Lãnh sự quán Mỹ đến gặp tụi em. Lúc đó ở CHANGE vẽ tranh tường về tê giác năm 2016-2017. Lúc đó cô ấy kêu lên: Trời ơi, tôi thật không tin được ở Việt Nam lại có những bạn trẻ quan tâm đến vấn đề này. Câu nói đó khiến em cảm thấy vừa bất ngờ vừa phải suy nghĩ rằng không biết trong mắt quốc tế nghĩ vệ Việt Nam thế nào, nghĩ về những người trẻ như thế nào. Điều đó là động lực để em thấy thực sự lĩnh vực về môi trường ở Việt Nam chưa được quan tâm nhiều và em muốn tham gia".

Đã có nhiều bạn trẻ nhìn từ hành trình của chị Minh Hồng, tham gia các hoạt động do CHANGE tổ chức rồi dần dẩn gắn bó với CHANGE, mong muốn được góp sức vì cộng đồng. Đã có những bạn trẻ thấy ở các hoạt động cộng đồng ấy câu chuyện của mình, gia đình mình, quê hương mình và trăn trở và đi tìm câu trả lời.

Võ Uyên Phương mong muốn kể câu chuyện về hạn mặn và biến đổi khí hậu tác động đến quê hương Bến Tre.

Võ Uyên Phương, cô bạn quê ở Bến Tre đang vừa học đại học vừa làm bán thời gian ở CHANGE có một câu chuyện: "Em muốn mọi người ý thức được là biến đổi khí hậu đang đến rất gần rồi. Có thể mọi ở tỉnh khác không biết, nhưng mà ở Bến Tre, khi em còn nhỏ, mùa nước mặn rất vui, chị em em ra ngồi hứng nước ngọt cùng ba. Chỉ cần hứng 4 lu nước là đủ cho cả mùa nước mặn. Còn bây giờ, mùa nước mặn ở Bến Tre có hứng bao nhiêu nước ngọt cũng không đủ, chở bao nhiêu nước ngọt cũng không đủ. Và bao lâu nữa thì các tỉnh ven biển cũng bị hạn mặn như Bến Tre? Nếu em có cơ hội ra thế giới, em cũng sẽ kể câu chuyện về Bến Tre, về miến Tây".

Chị Hoàng Thị Minh Hồng và các bạn trẻ ở CHANGE, các bạn trẻ quanh chị có một ngọn cờ Tổ quốc ở trong tim. Và các hoạt động cộng đồng của Minh Hồng cho chúng ta tin rằng, người Việt Nam ai cũng có ngọn cờ đó, vấn đề làm thế nào để điều đó biến thành hành động. Đó cũng là cách để Việt Nam hội nhập thế giới và thế giới biết về một Việt Nam hành động./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận