Grab cần ăn chia sòng phẳng

Đầu tuần, hàng trăm tài xế của ứng dụng công nghệ gọi xe Grab đồng loạt tắt app để phản đối việc doanh nghiệp này tăng chiết khấu lên 27% với lý do bị áp thuế Giá trị gia tăng VAT.

 

          Đầu tuần, hàng trăm tài xế của ứng dụng công nghệ gọi xe Grab đồng loạt tắt app để phản đối việc doanh nghiệp này tăng chiết khấu lên 27% với lý do bị áp thuế Giá trị gia tăng VAT. Đây không phải lần đầu tiên tài xế Grab đình công do bất cập trong chiết khấu, và có lẽ chưa phải là lần cuối cùng.

Tài xế Grab tắt app phản dối chính sách của Grab

          Phản ứng của các tài xế (gọi là đối tác) của Grab là hoàn toàn chính đáng, bởi vì mức chiết khấu của Grab tăng lên đến 27%, cộng với giá xăng dầu tăng và nhiều chi phí khác cũng tăng do dịch bệnh Covid, trong khi giá cước tăng không đáng kể. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của các “đối tác” của Grab bị giảm sút, nhất là Grab bike, trong đó không ít người là sinh viên vừa đi học vừa làm thêm tài xế Grab để trang trải học hành.

          Chưa nói đến trách nhiệm xã hội, từ góc độ kinh tế có thể thấy phản ứng của Grab là không sòng phẳng. Nhiều năm qua, Grab được hưởng lợi rất lớn khi các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa có giải pháp quản lý phù hợp. Ngoài việc được ưu đãi “thử nghiệm”, Grab còn lợi dụng kẽ hở trong quản lý để triển khai những dịch vụ khác, đáng chú ý là giải pháp công nghệ tài chính fintech với ví điện tử Moca, mặc dù để lách những quy định khá chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước, ban đầu Grab tuyên bố ứng dụng này chỉ dành để thanh toán chi phí đặt xe.

Grab cần ăn cho đều, chia cho sòng với các đối tác của mình

          Được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi, nhưng tới thời điểm này Grab vẫn không thanh toán khoản nợ thuế của Uber - là ứng dụng gọi xe đã được Grab mua lại. Đến bây giờ, khi bị áp thuế VAT 10% để đảm bảo công bằng giữa các loại hình dịch vụ vận tải công cộng, Grab lại đẩy khó khăn sang cho tài xế - những người được gọi bằng cái tên mỹ miều “đối tác” dù không có cơ hội win - win.

          Câu chuyện của Grab cũng là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Khi hết thời gian được hưởng ưu đãi về thuế đúng theo lộ trình đã cam kết, họ lập tức dùng mọi chiêu trò để chuyển giá, trốn thuế, lách luật... trốn tránh sự đóng góp và trách nhiệm xã hội đối với quốc gia sở tại.

          Đại dịch Covid-19 khiến cho doanh nghiệp trên khắp thế giới gặp khó khăn, thậm chí phá sản, trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhằm phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm. Vì vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cần thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc nộp thuế đầy đủ và chính sách ăn chia sòng phẳng với “đối tác”, với người lao động, chứ không thể “mượn gió bẻ măng” như cách mà Grab đang làm. Các tài xế qua đây cần tỉnh táo hơn khi lựa chọn “đối tác” và đàm phán tỉ lệ chiết khấu, đừng để bị áp đặt từ một phía. Bởi, Grab không phải là lựa chọn duy nhất./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận