Giấc mơ nhà ở vẫn xa vời

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, trong năm 2020, nhà ở giá rẻ tăng hàng chục triệu đồng một mét vuông. Nghiên cứu này cũng trùng khớp với báo cáo thị trường bất động sản quý 3 của Bộ Xây dựng.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, trong năm 2020, nhà ở giá rẻ tăng hàng chục triệu đồng một mét vuông. Nghiên cứu này cũng trùng khớp với báo cáo thị trường bất động sản quý 3 của Bộ Xây dựng. Theo báo cáo này, giá bán căn hộ chung cư trên cả nước đối với phân khúc trung cấp từ 20-35 triêu/m2, tăng khoảng 0,24% đến 0,35% so với quý II/2020.

Có nhiều nguyên nhân khiến giá nhà ở phân khúc dưới 30 triệu đồng/m2 tăng nhanh như vậy. Trước hết là do nhu cầu nhà ở có tầm giá trên dưới 2 tỷ đồng và diện tích khoảng 70m2 - 80m2 (tương đương khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2) rất lớn, vì hợp túi tiền của những người đã đi làm một thời gian, bắt đầu dành dụm được một khoản tiền và có một gia đình nhỏ. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở phân khúc này lại ít, do thời gian qua các doanh nghiệp chủ yếu đổ xô vào phân khúc nhà ở cao cấp với kỳ vọng lợi nhuận lớn. Chính sự mất cân đối cung cầu dẫn tới tình trạng người có nhu cầu thực sự phải chấp nhận khoảng giá cao hơn để sở hữu được ngôi nhà như mong muốn. Bởi vậy, dần dần phân khúc nhà ở có giá bán dưới 25 triệu đồng bị đẩy lên trên dưới 30 triệu đồng/m2. Người mua nhà phải chấp nhận giá cao cho sản phẩm chất lượng thấp hơn so với số tiền bỏ ra.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận tình trạng phân khúc nhà giá rẻ đang bị đôn lên 30 triệu đồng mỗi m2 trở lên cho thấy thời gian qua thiếu chính sách hiệu quả và lâu dài để phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp.

Câu hỏi đặt ra từ hai chục năm nay - kể từ khi có căn chung cư cao cấp đầu tiên ở Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội - vẫn là: bao giờ thì những người lao động bình thường, có nhu cầu nhà ở thực sự, có thể mua được nhà ở với chất lượng và giá bán phù hợp? Nhà ở không cần quá rẻ (dưới 10 triệu đồng/m2), không cần quá nhỏ (dưới 30m2), nhưng không nên quá xa xỉ khi căn chung cư chưa đến 100m2 lại có giá tới hơn 3 tỷ đồng.

Đây là đòi hỏi chính đáng, nhưng 20 năm chưa có lời giải phù hợp, vì điểm yếu lớn nhất của thị trường bất động sản là thiếu minh bạch. Việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản cũng không thể giúp thị trường minh bạch và sòng phẳng hơn. Do đó, việc cần làm ngay hiện nay là minh bạch thông tin về thị trường bất động sản, giá cả, vị trí địa lý, hiện trạng hạ tầng... Công cuộc chuyển đổi số giúp cho việc cập nhật hệ thống dữ liệu thị trường dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, việc quản lý thị trường bất động sản không thể làm theo cách mỗi bộ quản một phần như hiện nay, mà cần có vai trò điều phối của Chính phủ để phát huy sức mạnh của tất cả các bộ ngành liên quan. Nếu không làm được như vậy, thị trường bất động sản nhà ở tiếp tục lúng túng về pháp lý, cung cầu ngày càng mất cân đối, nguy cơ vỡ bong bóng bất kỳ lúc nào. Và, giấc mơ nhà ở ngày càng xa tầm với của người có thu nhập trung bình./.

Bình luận

    Chưa có bình luận