Quản lý thị trường Tết cần phạt thật nặng

Lực lượng chức năng phát hiện hơn 3 tấn bánh quy Thổ Nhĩ Kỳ hết date đang 'gia hạn sử dụng'; QLTT Quảng Ninh triệt phá vụ kinh doanh thuốc lá điện tử lớn...

Ít ngày trước, tại TP.HCM, Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận Bình Tân - Tân Phú - Tân Bình phát hiện 4.400kg lá lách bò, 760kg trứng gà non, 34kg ba chỉ, 42kg sụn gà, 50kg cá thác lác không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Công an quận Bình Tân (TP.HCM) phát hiện trong kho hàng trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B có 138 tủ lạnh, 104 máy lọc không khí có nguồn gốc nước ngoài, đã qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ. Công an TP.HCM phát hiện kho của Công ty Đại Lợi (quận 5) có khoảng 12.000 thùng (khoảng 60.000 chai) rượu ngoại, trong đó hàng ngàn chai rượu không có hóa đơn chứng từ, không tem nhãn, trị giá số hàng hóa ước tính trên 7 tỷ đồng.

Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh Bình Phước kiểm tra kho hàng đông lạnh tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Lưu Nguyễn ở thị xã Phước Long phát hiện 14.420kg thịt gia cầm (gà, vịt) đông lạnh trong các container, có lô đã bốc mùi ôi thiu không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Rồi tại Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện hơn 3 tấn bánh quy Thổ Nhĩ Kỳ hết date đang “gia hạn sử dụng”; QLTT Quảng Ninh triệt phá vụ kinh doanh thuốc lá điện tử lớn nhất từ trước đến nay, trước đó là 28,3 tấn quần áo cũ nhập lậu; Thái Nguyên phát hiện trên 8 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng.

Những vụ việc này trước Tết Nguyên đán năm nào cũng có, địa phương nào cũng phát hiện, cho thấy tình hình quản lý thị trường diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá càng nhiều. Dù đã thành quy luật, nhưng thực tế là rất khó ứng phó bởi khu vực biên giới đường mòn lối mở nhiều, sự thông thương giữa Việt Nam và các nước lớn, đời sống người dân được nâng lên, đồng thời lòng tham làm mờ mắt nhiều đối tượng, trong đó có cả một số người đang làm việc trong các ngành thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Giải pháp vẫn được đề xuất lâu nay là tăng cường nhân lực, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng để tránh tình trạng phân tán và chồng chéo, tăng cường tuần tra, kiểm soát... Thế nhưng, những giải pháp này khó thực hiện do bị ràng buộc bởi nhiều quy định khác nhau. Để giải quyết vấn đề thì quan trọng nhất vẫn phải là đảm bảo đời sống của người dân khu vực giáp biên để họ ngừng cõng hàng, chở hàng lậu len lỏi qua đường mòn, lối mở. Đồng thời có chế tài xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng những người cố tình vi phạm, những cá nhân trong cơ quan quản lý tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại. Phạt thật nặng để cái nhận được từ buôn lậu, gian lận thương mại nhỏ hơn giá phải trả, thì lúc đó hình phạt mới có tác dụng ngăn ngừa.

Bình luận

    Chưa có bình luận