Khoan sức dân để nuôi dưỡng nguồn thu

Miễn thuế hai năm để hộ kinh doanh mạnh dạn 'lớn' thành doanh nghiệp là đề xuất vừa được Bộ Tài chính nêu trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội

Miễn thuế hai năm để hộ kinh doanh mạnh dạn “lớn” thành doanh nghiệp là đề xuất vừa được Bộ Tài chính nêu trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Mặc dù được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng kinh tế tư nhân hiện vẫn chiếm tỉ lệ chưa tới  40% GDP. Trong đó, khu vực kinh doanh cá thể chiếm 31,3% GDP còn doanh nghiệp chỉ chiếm 7,88%. Vẫn chưa có cơ chế để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp, mà lý do căn bản nhất khiến các hộ kinh doanh cá thể “từ chối” lớn là thuế.

Không từ chối làm sao được, khi với cùng một mức doanh thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, doanh nghiệp tư nhân phải nộp 3 triệu đồng thuế môn bài, trong khi hộ kinh doanh cá thể chỉ phải nộp 1 triệu đồng. Doanh thu càng lớn thì tỉ lệ chênh lệch càng cao. Do đó, miễn thuế trong thời gian ngắn hạn (2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh) và có lộ trình áp thuế (15% - 17% tùy theo quy mô doanh nghiệp) như đề xuất của Bộ Tài chính có thể coi là một giải pháp hợp lý.

Lâu nay, các chính sách thuế vẫn thường bị kêu ca là không chú ý tới việc “khoan sức dân”, mà chỉ hướng tới mục tiêu thu đủ. Nhưng với đề xuất này, chắc chắn, số thu cho ngân sách Nhà nước sẽ giảm đáng kể. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu đề xuất này được chấp nhận, mỗi năm ngân sách sẽ hụt thu khoảng 9.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây sẽ thực sự là phương pháp khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu, bởi khi đã có động lực để hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, thì mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp không phải khó thực hiện. Khi ấy, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà đơn vị trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ để tránh tình trạng các doanh nghiệp đang hoạt động sẽ thành lập thêm công ty con để được hưởng mức ưu đãi thuế.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 sẽ đạt được, nếu như cùng với chính sách thuế, có hệ thống chính sách đồng bộ để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp cùng phát triển./.

Bình luận

    Chưa có bình luận