Được mất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế Việt Nam đang đau đầu để xem xét những được mất của Việt Nam khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra.

Ngay từ lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới chỉ manh nha, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý Việt Nam cũng như giới doanh nghiệp và chuyên gia đã phải đau đầu để xem xét những được mất của Việt Nam khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra.

Cái lợi có thể nhìn thấy là những dịch chuyển về đầu tư, bởi khi căng thẳng leo thang, các doanh nghiệp của Mỹ có thể sẽ rời bỏ thị trường Trung Quốc để sang Việt Nam, một thị trường có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, trong đó lợi thế lớn nhất là giá nhân công rẻ. Thế nhưng thực tế đang diễn ra trước mắt cho thấy, không phải nhà đầu tư nào cũng lựa chọn Việt Nam, ví dụ như Apple. Lý do được hãng này đưa ra chính là Việt Nam không có đủ lao động đáp ứng nhu cầu của hãng. Việc Apple và một số doanh nghiệp khác sau khi rời Trung Quốc lựa chọn quốc gia khác chứ không phải Việt Nam cũng là một cách để chúng ta nhìn thấu hơn những bất cập của nền kinh tế Việt Nam, không thể mãi ngủ quên trên chiến thắng “Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn”

Song song với bài toán đầu tư, tỷ giá cũng đang là một thách thức lớn với kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đương nhiên cũng là hai trong số những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia này càng căng thẳng bao nhiêu, thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng càng bị ảnh hưởng bấy nhiêu. Riêng Việt Nam với đặc thù là nước có chung biên giới với Trung Quốc, đa số hàng hóa nông lâm thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, biến động tỷ giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thực tiễn mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gặp phải khi tỷ giá NDT giảm so với đồng Việt Nam. Đó là chưa kể chiến tranh thương mại nếu quá căng thẳng sẽ khiến người Trung Quốc tự sản tự tiêu nhiều hơn, giảm nhập khẩu để giảm phụ thuộc.

Ở góc độ tích cực, thông tin mới đây từ Cục Thống kê Mỹ cho thấy, Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 7 vào Mỹ trong năm 2019 nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 40,2% như quý I. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc đến Mỹ giảm 13,9% trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Hãng tin Bloomberg cho rằng: “Việt Nam đang hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng để tránh đòn thuế của Mỹ với hàng hóa từ Trung Quốc. Quốc gia này cung cấp nguồn lao động với chi phí thấp, cũng như có môi trường kinh doanh đang được cải thiện. Đồng thời, đây cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới”.

Tuy nhiên, cho dù có nhiều bất lợi, Trung Quốc vẫn giữ vị trí nhà xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ đến hết năm nay. Điều đó cũng có nghĩa là chính sách của nhà nước cũng như hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức thận trọng và linh hoạt, bởi lẽ, chưa có gì hứa hẹn rằng Việt Nam sẽ giữ mãi được những lợi thế sẵn có, dù cuộc chiến thương mại diễn biến theo hướng nào./.

Bình luận

    Chưa có bình luận