Giao dịch qua sàn

Một sàn giao dịch sản phẩm khoa học công nghệ đang được gấp rút hoàn thiện, sẽ sớm được khai trương và đi vào hoạt động trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Một sàn giao dịch sản phẩm khoa học công nghệ đang được gấp rút hoàn thiện, sẽ sớm khai trương và đi vào hoạt động trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Thêm một bước tiến trong giao dịch thương mại ở Việt Nam, khi tất cả hàng hóa đều được giao dịch qua sàn một cách minh bạch, công khai và hiệu quả.

Năm 2002, sàn giao dịch hàng hóa đầu tiên ở Việt Nam đã được lập nên với đơn vị sáng lập là Hiệp hội Điều Việt Nam. Đáng tiếc là Sàn giao dịch điều chỉ hoạt động được đúng một phiên với một hợp đồng được ký kết mang tính hình thức. Tương tự, sàn giao dịch thủy sản được thành lập năm 2004 tại Cần Giờ, TPHCM cũng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn. Sàn giao dịch Sacom do Ngân hàng Sài Gòn Thương tín Sacombank xây dựng dù đã có phiên giao dịch đầu tiên rất thành công với gần 6000 tấn thép được giao dịch nhưng rồi cũng chìm vào quên lãng. Ngay cả Sàn giao dịch cà phê do UBND tỉnh Đăk Lăk thành lập năm 2004 với kinh phí ban đầu khoảng 17 tỷ đồng, có sự bảo trợ của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), rồi sau đó được Chính phủ Pháp tài trợ 850.000 euro hỗ trợ hệ thống công nghệ cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Theo thống kê, sau gần 17 năm hoạt động, tổng giá trị giao dịch các hợp đồng qua các Sở giao dịch hàng hóa là chỉ đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giao dịch mặt hàng cà phê.

Việc giao dịch hàng hóa qua sàn đã được áp dụng trên thế giới từ hàng thế kỷ nay và bất kỳ biến động nào trên các sàn giao dịch thế giới như sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa New York, Hong Kong, London đều ngay lập tức tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam.

Có nhiều lý do dẫn đến sự “èo uột” của các sàn giao dịch hàng hóa ở Việt Nam, trong đó có các yếu tố về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, trình độ chuyên môn, đặc biệt là cơ sở pháp lý. Để khắc phục những khoảng trống pháp lý này, ngày 9/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP. Trong đó quy định việc mở rộng hình thức của lệnh giao dịch; cho phép Sở giao dịch hàng hóa được liên thông trong nước và nước ngoài; mở rộng danh mục hàng hóa kinh doanh niêm yết trên Sở giao dịch hàng hóa; cho phép nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn thành lập Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam... Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan…

Tuy nhiên, để các sàn giao dịch hàng hóa hoạt động hiệu quả thì điều quan trọng nhất vẫn phải là đảm bảo được sự minh bạch trong thông tin cũng như trong chính sách, từ doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý Nhà nước. Không đủ sự minh bạch thì giao dịch qua sàn vẫn chỉ là hình thức./.

Bình luận

    Chưa có bình luận