Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên qua ký ức của cử tri vùng cao Bắc Kạn

75 năm trước, những cử tri tỉnh Bắc Kạn may mắn được cầm lá phiếu đầu tiên, thực hiện quyền công dân của một nước Việt Nam độc lập…

 

 Phóng viên Đài TNVN (VOV) thường trú khu vực Đông Bắc đã gặp gỡ một số người may mắn được cầm lá phiếu đầu tiên, thực hiện quyền công dân của một nước Việt Nam độc lập và cùng sống lại không khí ngày bầu cử tại tỉnh Bắc Kạn 75 năm về trước.

Ngày 6/1/1946, người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc nô nức đi bỏ phiếu bầu chọn 333 đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam độc lập. Trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình...

Nhà văn Nông Viết Toại.Dù đã ở tuổi 95, nhưng Nhà văn Nông Viết Toại, một người con của huyện vùng cao Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn vẫn nhớ như in không khí quê mình khi đó. Là một cán bộ làm công tác tuyên truyền, bản thân ông đã đến từng bản làng, vận động người dân đi bầu, rồi trực tiếp tham gia trang trí tại điểm bỏ phiếu.

Nhà văn Nông Viết Toại nhớ lại: Ngày bầu cử, khắp các ngả đường từ bản trên, xóm dưới, đồng bào các dân tộc Tày, Hoa, Kinh, Dao, Mông... nô nức đến các điểm bỏ phiếu. Khi ấy châu Ngân Sơn còn nghèo khó, đi lại vất vả, nhưng ai cũng cố gắng chọn cho mình nhưng bộ quần áo chỉn chu, tươm tất, đặc trưng nhất của dân tộc mình để tham gia ngày hội, cho dù lúc đó, công tác tuyên truyền, vận động còn chưa thể so được với bây giờ. 

Cử tri Nguyễn Văn Rung, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.“Do phương tiện truyền thông khi ấy mới chỉ sơ khai, bắt đầu thôi, còn thiếu thốn đủ thứ, có treo băng rôn, khẩu hiệu nhưng tới mức nào thôi, nhưng bà con ta nói tới bầu cử thì hưởng ứng rất tốt”, nhà văn Nông Viết Toại nhớ lại.

Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ông Nguyễn Văn Rung, hiện sống tại tổ 8, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn vừa tròn 18 tuổi, được tham gia bỏ phiếu tại trung tâm tỉnh lị. Trong trí nhớ của ông, thị xã những ngày đầu năm 1946 thực sự là những ngày hội, đường phố rực rỡ với cờ, hoa, khẩu hiệu cùng sự háo hức của tất cả cử tri, bởi khi cầm lá phiếu trong tay, họ thực sự tin rằng, vùng cao nơi đây đã thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang, của thổ ty, địa chủ, là thời khắc mà những người dân nghèo được công nhận quyền công dân, quyền làm chủ quê hương, đất nước.

Cử tri Đồng Phúc Túc, 102 tuổi, sống tại tổ 4, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.Ông Nguyễn Văn Rung nhớ lại, mới tờ mờ sáng ngày mùng 6, bố mẹ ông đã giục cả nhà dậy thật sớm: “Lúc bấy giờ đi bầu thì vào bầu chỗ hòm phiếu, được giới thiệu đây là hòm phiếu bầu Quốc hội, tôi cũng nghĩ sẽ chọn ai bây giờ, vậy là tôi quyết định chọn cách mạng”.

Năm nay đã 102 tuổi, nhưng với ông Đồng Phúc Túc, hiện sống tại tổ 4, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn thì kỷ niệm lần đầu được cầm lá phiếu cũng thật đặc biệt. Khi đó, ông Túc là cán bộ đang hoạt động tại các tỉnh Nam bộ, điều kiện bỏ phiếu gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo công tác bí mật, nhưng ông và những người đồng đội của mình vẫn được tổ chức bố trí để thực hiện quyền công dân.

“Từ xưa đến nay chưa biết đến chuyện bỏ phiếu là như thế nào? ý nghĩa của nó như thế nào? Vì ý thức chính trị lúc đó chưa cao lắm đâu, chưa hiểu nhiều lắm đâu, nhưng chỉ thấy là mình phải có trách nhiệm. Tôi rất vui khi được cùng với nhiều người tham gia một nhiệm vụ lịch sử. Đến giờ, tôi vẫn thấy hạnh phúc lắm”, ông Túc chia sẻ.

Ông Túc, ông Toại, ông Rung và những cử tri vùng cao nơi đây đã có thêm đã có thêm nhiều lần bỏ phiếu nữa và mỗi lần đều mang lại những cảm xúc riêng, gắn với từng giai đoạn thăng trầm của đất nước. Nhưng với họ, kỷ niệm về lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân, quyền làm chủ của một đất nước tự do, độc lập sẽ luôn là đặc biệt nhất trong cuộc đời mình./.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận