Hội nghị du lịch toàn quốc 2023: Tháo gỡ khó khăn, phục hồi và tăng tốc

Đây cũng là nội dung chính của Hội nghị Du lịch toàn quốc 2023 với chủ đề 'Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển'.

 

Năm 2023 được dự báo sẽ đem lại hy vọng mới cho ngành du lịch khi các nước trên thế giới từng bước nới lỏng quy định rào cản xuất nhập cảnh sau Covid-19. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong thu hút thị trường khách nước ngoài, cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch, vướng mắc về cơ chế... Điều đó đòi hỏi ngành du lịch cần nhanh chóng triển khai các chiến lược hành động,nắm bắt thời cơ để phục hồi. Đây cũng là nội dung chính của Hội nghị Du lịch toàn quốc 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”.

Một năm nhìn lại

Tại Hội nghị Du lịch toàn quốc 2023 diễn ra ngày 15/3/2023 tại Hà Nội (một năm kể từ ngày du lịch mở cửa hoạt động bình thường sau dịch Covid-19, ngày 15/3/2022), nhiều báo cáo, tham luận của các đại biểu có chung nhận định, năm 2023 và những năm tiếp theo, du lịch thế giới tiếp tục phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Ngành du lịch sẽ phải đối phó với các vấn đề như thiếu hụt lao động, giá cả nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh và nhân công tiếp tục xu hướng tăng. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành du lịch sẽ mạnh mẽ hơn, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong du lịch.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), năm 2023 du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan chưa phục hồi bình thường, thị trường Nga vẫn bị hạn chế đi lại do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực để thu hút khách du lịch, quyết tâm lấy lại những gì đã mất qua dịch Covid-19 trở nên quyết liệt.

Thị trường nội địa có tốc độ phục hồi nhanh và mạnh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, năm 2022 lượng khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Trong giai đoạn dịch Covid-19, thị trường khách du lịch nội địa là nền móng vững chắc để ngành du lịch Việt Nam có thể dần phục hồi và phát triển. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với năm 2019.

Các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường, mở thêm nhiều dịch vụ, tăng kế hoạch kinh doanh hè để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều doanh nghiệp đã đạt gần 70% kế hoạch kinh doanh của cả năm. Trong dịp cao điểm du lịch hè dành cho khách nội địa năm 2022, công suất phòng khách sạn tăng cao: ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%, các ngày trong tuần đạt từ 25% đến 50%. Một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc có thời điểm đạt công suất trên 95%.

Du lịch Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong thu hút thị trường khách nước ngoài

Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của Du lịch Việt Nam như Ấn Độ, Frankfurt (Đức), London (Anh), San Francisco (Mỹ). Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến. Các chặng còn lại như Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội tới Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... giá vé cao điểm hè cũng tăng hơn 20% so với các tháng trước đó.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Ngay sau khi mở cửa trở lại vào ngày 15/3/2022, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường toàn cầu của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam đón 3,5 triệu khách quốc tế (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so với kế hoạch và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 so với năm 2019 chỉ đạt 19,4% (Singapore là 32,9%; Malaysia là 27,5%; Thailand là 25%). Ðây là vấn đề bức thiết cần giải quyết để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới như trong kết luận của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị.

Theo Bộ VH-TT&DL, nguyên nhân chủ yếu gồm: Trên thế giới, tâm lý du khách còn e dè. Các thị trường chính của du lịch Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á chưa mở lại, mở lại chậm và hạn chế (Trung Quốc mở tháng 01/2023, Nhật Bản mở tháng 10/2022, Hàn Quốc mở tháng 6/2022). Xung đột Nga - Ukraine đã khiến khách Nga và Đông Âu bị hạn chế đi lại, nhất là bằng đường hàng không. Xu hướng du lịch tới các điểm đến gần sau dịch của các thị trường xa, việc chậm kết nối hàng không quốc tế đã ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam sau khi mở cửa; Thông tin, quảng bá còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia để hỗ trợ kết nối, trực tiếp triển khai các hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến tại thị trường.

Trong đó, một trong những điểm nghẽn đối với du lịch là chính sách thị thực (visa) có nhiều đổi mới, tiến bộ, song trong triển khai chưa thực sự sát thực tế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam, chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh so với các nước trong khu vực. 

Nhiều doanh nghiệp có chung mối quan tâm đến việc tháo gỡ những hạn chế trong cơ chế chính sách, thủ tục cấp visa hiện còn hạn chế, chưa thuận tiện cho du khách. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure, chia sẻ: “Nhiều năm trước đây, khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch thường mua tour trọn gói và được các công ty du lịch xin visa giúp, do đó họ không gặp nhiều khó khăn trong khâu visa. Tuy nhiên những năm gần đây, đặc biệt là sau Covid-19, thói quen đi du lịch của khách phương Tây có nhiều thay đổi. Họ tự sắp xếp chuyến đi của họ (từ đặt vé máy báy, visa, khách sạn...) thay vì thông qua công ty du lịch. Do đó, một số bất cập trong khâu cấp visa cho du khách bắt đầu lộ ra, dẫn đến nhiều khách du lịch và ngay cả công ty du lịch bán tour địa phương than phiền”.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19, nhưng nếu so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang thu hút khách quốc tế kém hiệu quả hơn. “Chính sách visa của Việt Nam chưa cạnh tranh so với các nước trong khu vực, thời gian miễn thị thực ngắn (15 ngày). Các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore đều cho thời gian miễn thị thực lên tới 30 - 45 ngày, thậm chí 60 - 90 ngày đối với công dân một số nước. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Trong khi đó, Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Thái Lan miễn cho 64 nước...”, ông Lê Hồng Hà nhấn mạnh.

Về những giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch, đại diện Bộ Công an kiến nghị: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về xuất nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch; Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài; tuyên truyền, phổ biến chính sách nhập cảnh và hỗ trợ khách du lịch nước ngoài về các thủ tục nhập cảnh nhanh chóng vào Việt Nam, nhất là thị thực điện tử (E-visa); Tạo môi trường đảm bảo an ninh, an toàn làm nền tảng để thúc đẩy các chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế và phát triển du lịch.

Đánh giá, nhìn nhận những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, khó khăn của ngành du lịch, kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị nêu rõ: Mặc dù mở cửa du lịch trở lại sớm hơn nhiều nước nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực, tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại không cao; Các sản phẩm nhìn chung chưa nhiều, chưa thực sự hấp dẫn, độc đáo, kết nối dịch vụ còn hạn chế; Công tác quản lý chưa chặt ché, hiệu quả; Liên kết sản phẩm, liên kết đầu tư, liên kết quản lý chưa thực sự được quan tâm; Chuyển đổi số chưa mạnh mẽ. “Nhìn chung, du lịch Việt Nam phát triển chưa thực sự bền vững, tính cạnh tranh chưa cao”.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ: “Tôi tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự quyết tâm cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch; đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo, tích cực của Bộ VH-TT&DL, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh - Điểm đến an toàn - Người dân lương thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng trong xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc./.

Từ ngày 15/3, sẽ là dấu mốc quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, khi Trung Quốc mở cửa du lịch đưa khách theo đoàn đến Việt Nam sau 3 năm đại dịch Covid-19. Trung Quốc là thị trường luôn được kỳ vọng góp phần phục hồi của ngành hàng không và ngành du lịch Việt Nam. Trước Covid-19, khách Trung Quốc chiếm 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận