Đề nghị bổ sung vướng mắc của doanh nghiệp vào báo cáo trình Quốc hội

Ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh kiến nghị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính.

 

Sáng 10/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023.

Cứ “treo” như thế thì khó cho sản xuất kinh doanh

Góp ý vào các báo cáo, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, báo cáo thể hiện tiếng nói của cử tri và nhân dân nên sự kiện, số liệu đưa ra phải rất điển hình, thể hiện sự quan tâm của nhân dân.

Ông đề nghị báo cáo bổ sung phản ánh sai phạm của đăng kiểm cả nước; hành vi vận chuyển ma tuý, nhất là qua đường hàng không ngày càng tinh vi (vừa qua Công an TP.HCM khở tố vụ án với hàng chục bị can); rồi tình trạng thiếu trường học, phòng học, giáo viên ở các đô thị lớn chứ không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cạnh đó, cử tri lo lắng tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm, như về đảm bảo tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả tăng cao.

Về phần kiến nghị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung về công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra.

Đánh giá báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần một sung một số nội dung quan trọng khác nổi lên trong thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Qua tiếp giám sát và xúc cử tri, ông thấy rằng DN phản ánh việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, lãi suất vẫn cao và điều kiện cho vay vẫn phức tạp, trong khi qua hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho “sức khoẻ” doanh nghiệp bị bào mòn.

VCCI kiến nghị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính. Báo cáo cũng đề cập tâm lý né tránh trách nhiệm, giải quyết vòng vo. “Có việc trước đây đa số đồng thuận là thực hiện được nhưng giờ chỉ cần một ngành, cơ quan không đồng ý thì có khi quay làm lại, xin ý kiến dẫn đến kéo dài, chi phí tăng cao” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu phản ánh của doanh nghiệp về những quy định mới rất khó thực hiện như về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy khiến chi phí tuân thủ tăng lên rất cao, cần sớm tháo gỡ để đưa nhiều dự án vào hoạt động; rồi vấn đề đăng kiểm cũng có ý kiến băn khoăn.

Bên cạnh đó, việc hoàn thuế VAT còn chậm trễ, có doanh nghiệp chưa được hoàn thuế hàng trăm tỉ đồng. “Tếp cận tín dụng khó, hoàn thuế chưa được thì nguồn ở đâu để sản xuất kinh doanh? Đề nghị sớm có giải pháp, anh nào sai thì xử lý nghiêm, ai làm đúng phải có cách giải quyết, còn cứ “treo” như thế thì khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh” - ông Thanh nêu ý kiến.

Đề cập lĩnh vực du lịch, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng có tăng nhưng trên nền trước đây không có khách. Điều quan trọng là chất lượng thu từ du lịch, dịch vụ thế nào, vì “kỳ nghỉ vừa rồi nhiều người mang đồ ăn, thức uống đi sử dụng dọc đường, doanh thu của nhà hàng không được bao nhiêu”.

Cần nêu rõ nơi nào ai làm tốt, nơi nào chưa chuyển biến

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tiếp tục đề cập tâm lý làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm đang phổ biến ở một số cơ quan, đơn vị, nhất là ở địa phương và Thủ tướng Chính phủ đã phải có Công điện 280 để chỉ đạo.

Cử tri cũng băn khoăn khi nhiều địa phương tăng trưởng thấp, nhất là các tỉnh, thành phố những năm trước đây tăng trưởng 2 con số, có đóng góp lớn cho nền kinh tế thì nay lại âm.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Đánh giá cao công tác dân nguyện và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thời gian qua được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đi vào nền nếp, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, cần nêu bật lĩnh vực nào chuyển biến tích cực, chất lượng ở khâu nào, cơ quan nào được nâng lên so với năm trước, kỳ trước để báo cáo có sức nặng hơn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thì phản ánh, giáo viên ở các khu vực khó khăn có thu nhập khá thấp, gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng các nhu cầu cuộc sống và công việc.

Qua các phiên tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến ở địa phương đề nghị nghiên cứu nâng mức phụ cấp cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non để lực lượng này có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ y tế cơ sở. Đây là vấn đề này đã được đề cập nhiều lần nên cần sớm giải quyết hiệu quả./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận