Tuổi thọ luật quá ngắn, xây dựng luật còn 'cài cắm' lợi ích nhóm

Tuổi thọ luật quá ngắn, 2 - 3 năm lại phải sửa đổi, xây dựng luật còn 'cài cắm' lợi ích nhóm là những lo lắng, băn khoăn của các đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng luật.

 

Chất lượng luật chưa cao, còn “cài cắm” lợi ích nhóm

Trong phần thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội đã nêu lên một số bất cập, rủi ro cũng như băn khoăn trong công tác xây dựng luật. Theo đại biểu Lê Thanh Vân - Cà Mau, chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến, hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Nhưng rồi các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng không cụ thể. Cuối cùng là người áp dụng pháp luật dễ tùy tiện, hậu quả là làm khổ người dân, doanh nghiệp. “Đó là kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn “cài cắm” lợi ích”, đại biểu Vân khẳng định.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hoà nêu quan điểm, dự thảo luật bao giờ cũng có nhiều điều luật có lợi cho cơ quan đó mà Quốc hội có thẩm tra và quyết định cuối cùng thì cũng khó có thể bao quát hết được những nội dung cài cắm của các cơ quan đó, bởi thời gian xây dựng pháp luật và khả năng xây dựng pháp luật thì bao giờ cũng có những hạn chế nhất định. Thực tiễn cho thấy, không cơ quan nào khi xây dựng dự thảo luật lại không tính đến lợi ích của cơ quan mình, vì họ cho rằng Quốc hội đã trao cho họ trách nhiệm và quyền dự thảo luật thì phải tính đến điều đó, sau đó mới tính đến các đối tượng điều chỉnh của đạo luật đó. Do đó, mới có tình trạng luật được ban hành thì có nhiều đạo luật luôn dễ và thuận lợi cho cơ quan nhà nước và có những nội dung khó cho người dân và doanh nghiệp.

Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp:

Bây giờ chúng ta đang tăng cường phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật. Đây sẽ là một trách nhiệm rất nặng nề đối với các cơ quan tham mưu, đặc biệt là các cơ quan tham gia vào quá trình xây dựng để ra một văn bản, với một đặc thù ở chỗ đây là một công trình. Mỗi dự án luật là một công trình tập thể. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm thì sẽ rất khó khăn khi bươn trải qua cả một quá trình như vậy. Cần phải xác định được trách nhiệm cá nhân, yếu tố vụ lợi, quan hệ nhân quả giữa một quy định pháp luật đối với hệ quả xảy ra trên thực tế. Đây sẽ là một thách thức rất lớn.

Ngoài ra, tình trạng rà soát luật có nơi vẫn còn hình thức, chưa bảo đảm chất lượng, một số báo cáo rà soát luật chưa rõ định hướng sửa đổi, chưa xác định cụ thể tiến độ xây dựng luật như Luật Bưu chính, Luật Ngân sách nhà nước, các luật về thuế; có luật đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét xây dựng là Luật sửa đổi như Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Bắc Ninh nêu ra.

Tuổi thọ của luật ngày càng trẻ, ban hành 2 - 3 năm đã phải sửa đổi

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 11 nghị quyết điều chỉnh chương trình thể hiện sự đồng hành quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội với Chính phủ nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ tính dự báo chưa cao của các cơ quan của Chính phủ trong việc đề nghị xây dựng luật phải thường xuyên thay đổi để theo kịp với tình hình mới. Một số luật quan trọng, vướng mắc nhiều trong thực tiễn nhưng chậm được nghiên cứu, rà soát để sửa đổi toàn diện như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công dẫn đến phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết chưa bảo đảm tính ổn định và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - TP Hà Nội:

Để các cơ quan quản lý trực tiếp không có lợi ích nhóm trong xây dựng luật và làm sao có thể xây dựng được hệ thống pháp luật đó với một góc nhìn trung lập hơn. Tôi đề nghị là các bộ, ngành nên tổ chức lại, không nên giao nhiệm vụ cho các vụ quản lý chuyên ngành. Nếu các vụ đó cùng một lúc được cấp giấy phép hay quản lý chuyên ngành, trực tiếp xây dựng các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực đó thì rất dễ có trường hợp các bộ phận chuyên môn, chức năng các bộ đó sẽ tìm cách tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn về cho các cơ quan khác hoặc cho người dân và doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật là làm sao có thể loại bỏ được những chồng chéo, xung đột, bất nhất trong các quy định pháp luật.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Quảng Trị đặt câu hỏi, phải chăng việc xây dựng luật ngoài yếu tố dự báo chưa cao thì còn do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện? Dường như câu chuyện làm luật của chúng ta vẫn có vấn đề gì đó còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Đại biểu Hoàng Đức Thắng thẳng thắn chỉ ra: “Tuổi thọ của các dự án luật ngày càng trẻ hóa, một số dự án luật mới ban hành 2 - 3 năm lại đem ra để sửa đổi, bổ sung. Đó là những vấn đề biết rồi, khổ lắm, nói mãi mà chưa có liệu pháp chữa trị một cách dứt khoát. Xem ra căn bệnh này ngày càng trầm kha. Đây là vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát, căn cơ, không né tránh, không nể nang”. Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật khi chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện, chưa rõ về chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy-Thái Bình cũng cho rằng, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành được nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành, song hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh. Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật vẫn là điều cần phải được quan tâm, chú trọng. Một số quy định có tính khả thi không cao, phải điều chỉnh sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Điều đáng lưu ý là trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa hướng dẫn thi hành. Trong khi đó việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật chậm đi vào đời sống. Trong áp dụng thực thi lại tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau dẫn đến một thực trạng khác là địa phương thì ra văn bản hỏi bộ thì bộ trả lời đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật. “Thực tiễn cho thấy, cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện thì đem lại nhiều kết quả rất khác nhau. Từ hạn chế nêu trên sẽ dẫn đến những sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành pháp luật và đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, tệ tham nhũng, lãng phí”, đại biểu Nguyễn Văn Huy nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh:

Soạn thảo luật phải có chuyên gia, chuyên ngành. Ban soạn thảo thì thành phần thứ nhất có thể là một số cán bộ của bộ chuyên ngành cử vào. Chuyên gia soạn thảo thứ hai là những người của các ngành pháp luật, vì chuyên gia chuyên ngành không rành về kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp quy, nhưng Bộ Tư pháp hoặc các giáo sư luật thì có thể hiểu biết về soạn thảo văn bản pháp quy nhưng không thông thạo những vấn đề của chuyên ngành. Cho nên, trong Ban soạn thảo phải có 2 thành phần đó. Tôi đề nghị thành phần thứ ba là những chuyên gia độc lập, những nhà khoa học hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó mà họ không trực thuộc ban, ngành nào cả, có uy tín trong xã hội, họ đại diện cho những đối tượng điều chỉnh của luật đó. Thành phần thứ ba này bảo đảm sự khách quan nhưng cũng bảo đảm được tiêu chí chuyên ngành và có kiến thức về soạn thảo văn bản pháp quy.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận