Đại biểu Quốc hội: 'Qua đại dịch, chúng ta mất nhiều cán bộ'

Thời gian qua, đất nước đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta đã mất nhiều cán bộ, mà mất người là mất mát lớn nhất.

 

“Những người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng, sức khoẻ nhân dân, trong bối cảnh cấp bách, pháp luật chưa có quy định hoặc quy định không rõ ràng, hoặc quy định không thể thực hiện được thì cần được đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý”.

Nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội bày tỏ điều này khi thảo luận trên hội trường về Báo cáo giám sát tối cao về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, tại kỳ họp thứ 5, chiều 29/5.

Nghị quyết 30, Nghị quyết 80 phải thực sự là cơ sở vững chắc

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cũng nhấn mạnh thời gian qua, đất nước đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta đã mất nhiều cán bộ, mà mất người là mất mát lớn nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân.Nữ đại biểu cho rằng, báo cáo giám sát chưa thống kê, phân tích tổng thể tình hình cả nước số tổ chức, cá nhân vi phạm, nội dung vi phạm và căn cứ pháp luật áp dụng để xử lý vi phạm đó. Vì Nghị quyết 80 của Quốc hội quy định khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác trong phòng chống Covid-19 cần đối chiếu, áp dụng theo các quy định đặc thù tại Nghị quyết 30 của Quốc hội.

Đối với những người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng, sức khoẻ nhân dân, trong bối cảnh cấp bách, pháp luật chưa có quy định hoặc quy định không rõ ràng, hoặc quy định không thể thực hiện được thì cần được đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý.

Theo đại biểu, để Nghị quyết 30, Nghị quyết 80 thực sự là cơ sở vững chắc cho lực lượng tuyến đầu trong và sau đại dịch, việc xem xét đánh giá toàn diện vấn đề này không chỉ là chuyện đúng - sai theo quy định pháp luật, mà thể hiện đạo lý, tình người, cụ thể hoá kết luận của Đảng về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đề nghị báo cáo giám sát cần bổ sung nội dung về cân bằng giữa “xây” và “chống”. Theo bà, tiêu cực thì phải chống, nhưng cần quan tâm một cách đúng mức đến việc xây dựng, bồi bổ cho ngành y tế mạnh hơn, để có thể chống dịch vừa qua cũng như sau này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.“Phần “xây” chúng ta làm rất chậm, nhưng tập trung phần “chống”. Số lượng cán bộ ngành y tế phải trả giá cho đại dịch là quá lớn. Toàn bộ công tác từ giám sát cho đến ra báo cáo phải làm sao đi vào thực tế trong tương lai nếu như dịch bệnh quay trở lại thì chúng ta đối phó được tốt hơn, bảo vệ được người dân. Phải có cơ chế và bảo vệ người làm cơ chế đó” - bà Lan nói.

Vi phạm đơn thuần thủ tục thì nên “gói lại” để hệ thống tiến lên

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá, việc Quốc hội thảo luận hôm nay không chỉ là chuyên đề giám sát tối cao mà còn có ý nghĩa như một cuộc tổng kết mang tính chiến lược để rút ra những bài học kinh nghiệm mang tính thời đại, dự liệu cho những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai, mong muốn khi có tình huống thì huy động được nguồn lực lớn hơn mà không phải băn khoăn, lo lắng điều gì.

Đại biểu Trịnh Xuân An.Chuyên đề giám sát được triển khai trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường; những vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang trong quá trình khắc phục, đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố và trừng trị thích đáng những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng Covid-19 để trục lợi.

Nhấn mạnh khi giám sát thì vấn đề trách nhiệm luôn được đề cao, nhưng đại biểu cho rằng, việc xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong huy động nguồn lực và phòng chống dịch cần được đặt trong bối cảnh cụ thể, cụ thể hoá yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 80 như đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đã đề cập.

“Cần đánh giá công tâm, khách quan, thấu tình đạt lý đối với các sai phạm và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu chống dịch; có những vi phạm nếu chỉ căn cứ vào quy định đơn thuần về trình tự, thủ tục và khách quan trong lúc “nước sôi lửa bỏng” thì chúng ta cần “gói lại” để hệ thống tiếp tục được vận hành tiến lên phía trước” - ông Trịnh Xuân An nói./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận