Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Thi vào lớp 10 hiện nay khó hơn cả đại học

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh việc phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 gây băn khoăn.

 

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 24, sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động; tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương; tình trạng thiếu nhà trẻ công lập ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên...

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh việc phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 gây băn khoăn. Điều đáng quan tâm là tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

“Thi vào lớp 10 hiện nay khó hơn thi đại học. Truyền thông đưa nhiều, đề nghị Ủy ban Văn hoá, Giáo dục vào cuộc. Có phải ta thiếu trầm trọng trường công cấp 3 không? Thực tế này giải quyết thế nào?”, bà Lê Thị Nga nêu quan điểm và đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo công tác dân nguyện.

Liên quan vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay số trường THPT thấp hơn số trường tiểu học và THCS. Tỷ lệ học sinh không học THPT thì phân luồng bằng điểm thi. Ai điểm thấp phải sang tuyến khác vì ngoài công lập có trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề...

“Nhu cầu muốn học cấp 3 nhiều, đặc biệt là công lập vì chi phí thấp hơn rất nhiều so với trường tư thục. Đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng nên cần nghiên cứu giải quyết” - ông Nguyễn Đắc Vinh nói, song thừa nhận hướng giải quyết không phải là chuyện dễ.

Thực tế địa phương như Hà Nội hay TP.HCM hàng năm đầu tư nhiều cho trường lớp. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn tiền thì cần quỹ đất, biên chế giáo viên. TP.HCM có dân số 9,2 triệu người nhưng thực tế ước tính cả vãng lai lên đến 14 triệu người. 5 triệu người chênh ra mà không tính thì khó khăn khi đưa ra chính sách phù hợp, dẫn đến thiếu hàng nghìn lớp học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Đồng tình với đề nghị đưa nội dung này vào báo cáo dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT, Chính phủ nghiên cứu sâu, có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết”./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận