'3 cái mất' và hệ lụy rất lớn từ chạy chức, chạy quyền

Thông qua Quy định 114 của Bộ Chính trị có thể thấy, Đảng đã bổ sung và nhận diện thêm những biểu hiện về chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

 

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế quy định 205/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về những điểm mới của Quy định 114 so với Quy định 205.

PV: Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền là vấn đề được Đảng đặc biệt quan tâm thời gian qua. Quy định 114 lần này có điểm gì mới so với Quy đinh 205 để nhận diện cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng này, thưa ông?

PGS.TS Lê Văn Cường: Qua nghiên cứu tôi thấy rằng, Quy định 114 có 3 điểm mới.

Thứ nhất là mới về tên gọi. Quy định 205 của Bộ Chính trị có tên gọi là “Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Trong khi đó, Quy định 114 có tên gọi là “Quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.

Sự thay đổi này tên gọi này cho thấy có tính khái quát, cô đọng nhưng cũng mở rộng phạm vi.

Thứ 2 đó là Quy định 114 có những điểm mới về kết cấu so với Quy định 205 trước đó. Quy định 205 xây dựng kết cấu theo 4 mục và 15 điều. Tuy nhiên Quy định 114 thì được kết cấu thành 5 chương, 16 điều.

Thứ 3 đó là nội dung có nhiều điểm mới.

Ngay từ phần giải thích từ ngữ đưa ra hàng loạt cái mới, bổ sung, giải thích những thuật ngữ như cơ quan có liên quan, cá nhân có thẩm quyền, người quan hệ có gia đình… Đây là những điểm bổ sung rất mới.

Trước kia, chúng ta chỉ có chỉ 3 nội dung về chạy chức, chạy quyền, bây giờ đã chỉ được 8 biểu hiện về chạy chức, chạy quyền. Ở đây, Quy định 114 đã tiếp tục kế thừa, bổ sung và nhận diện thêm những biểu hiện về chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.PV: Quy định 114 cũng nhận diện những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi chạy chức, chạy quyền. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong công tác về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thưa ông?

PGS.TS Lê Văn Cường: Điều này có ý nghĩa rất lớn. Trước đây, chúng ta xây dựng Đảng truyền thống là 3 mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh thêm việc xây dựng Đảng về đạo đức. Đại hội XIII của Đảng tách thêm xây dựng Đảng về cán bộ.

Xây dựng Đảng là khâu then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt.

Chúng ta thấy rằng, Đảng ta đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cái gốc của vấn đề ở đây chính là con người, chính là cán bộ.

Do vậy, ngoài quy định về lấy phiếu tín nhiệm, các quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu và Quy định 114 thay cho Quy định 205 là rất quan trọng.

Quy trình trong công tác cán bộ đôi khi “tưởng chặt rồi hoá ra vẫn lỏng” dẫn tới có những hậu quả trong công tác cán bộ.

Khi đã được đưa ra công khai, quy định này góp phần thực hiện đúng phương châm mà Đảng ta đã đề ra từ trước tới nay đó là “dựa vào dân để xây dựng Đảng”.

Có quy định này rồi, cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị nếu thấy có sự việc đề bạt sai, bổ nhiệm sai, đánh giá sai thì có quyền giám sát, đề xuất thì chắc chắn công tác cán bộ sẽ chặt chẽ hơn.

PV: Thưa ông, “chạy” trong công tác cán bộ dẫn tới những nguy hại gì cho tổ chức, cho Đảng?

PGS.TS Lê Văn Cường: Việc “chạy” trong công tác cán bộ có thể dẫn tới những nguy hại rất lớn. Khái quát lại là có “3 cái mất”, mất việc, mất người, mất tổ chức.

Chúng ta thấy việc “chạy” chính là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi việc “chạy” chính là làm sai, làm trái các quy định đã có, không đúng tiêu chuẩn, quy định, quy trình, nguyên tắc vẫn cứ làm. Đó chính là “chạy”.

Cái thứ hai chính là dẫn tới việc “ngồi nhầm ghế”, bố trí sai người, triệt tiêu cơ hội của những người có năng lực nhưng không được bố trí đúng năng lực, sở trường của mình. Những người thiếu năng lực, thiếu điều kiện, thiếu tiêu chuẩn thì lại được bố trí.

Thứ ba, mất tổ chức là công việc không trôi chảy, trì trệ, mất uy tín, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ. Đây là hệ luỵ rất lớn. Bởi mất tiền, tài sản có thể lấy lại được nhưng mất niềm tin là mất tất cả.

Cho nên tôi mới khái quát, cảnh báo “3 cái mất” có thể xảy ra đó là “mất việc, mất người, mất tổ chức”. Và hệ luỵ rất lớn!

PV: Xin cảm ơn ông.

Kim Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận