Nửa thế kỷ đồng hành, quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore toàn diện và sâu rộng

Quan hệ Việt Nam - Singapore hiện đang ở giai đoạn đặc biệt tốt đẹp với niềm tin chính trị sâu sắc và hợp tác kinh tế - đầu tư là điểm sáng rất đáng chú ý.

 

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng đã khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV.

PV: Năm 2023, Việt Nam và Singapore kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Xin Đại sứ cho biết quan hệ hợp tác Việt Nam -Singapore có những dấu ấn gì nổi bật?

Đại sứ Mai Phước Dũng: Việt Nam và Singapore chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8 năm 1973. Sau khi nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2013, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng. Có thể nói, quan hệ Việt Nam và Singapore càng trở nên gắn bó, với độ tin cậy cao và hợp tác hiệu quả, với những điểm nhấn trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế -thương mại - đầu tư và an ninh - quốc phòng.

Thứ nhất, hai nước có sự tin cậy chính trị lẫn nhau, hợp tác trên kênh Đảng và Nhà nước không ngừng được mở rộng và hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn thăm cấp cao. Chỉ trong 2 năm qua, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Nguyên thủ hai nước đã thăm lẫn nhau; Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thăm Singapore tháng 2/2023 và chúng ta đang dự kiến chuẩn bị đón Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Hiển Long sang thăm Việt Nam vào cuối tháng 8 năm nay.

Thứ hai là về kinh tế - thương mại - đầu tư, một trong những điểm sáng trong hợp tác song phương. Từ năm 2020 tới nay, tính theo năm, Singapore luôn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Tính cộng gộp, Singapore chỉ đứng thứ 2/140 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc. Thương mại song phương tương đối ổn định bất chấp những khó khăn khách quan do tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu gây ra.

Thứ ba là về an ninh - quốc phòng, với nhiều tiềm năng đang tiếp tục được hai bên thúc đẩy. Năm 2022, hai nước đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng mới sau 10 năm, là cơ sở thúc đẩy các chương trình hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong chia sẻ thông tin và cứu nạn, cứu hộ. Việt Nam và Singapore cũng hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực an ninh mới như phòng chống tội phạm an ninh mạng, tội phạm xuyên biên giới.v.v...

PV: Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN; đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Xin Đại sứ chia sẻ đôi nét về những điểm sáng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước?

Đại sứ Mai Phước Dũng: Như tôi đã đề cập, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Singapore trong những năm qua là một điểm sáng trong quan hệ song phương.

Đầu tư từ Singapore vào Việt Nam thời gian qua đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đến nay đã lên tới hơn 70 tỷ USD (với hơn 3.000 dự án còn hiệu lực), tăng 67% trong 5 năm, vươn lên vị trí thứ 2 chỉ sau Hàn Quốc. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Singapore luôn giữ vị trí là nhà đsầu tư lớn nhất theo từng năm tại Việt Nam, với số vốn đầu tư đăng ký kỷ lục lần lượt là 9 tỷ USD (2020), 10,7 tỷ USD (2021) và 6,45 tỷ USD (2022), mặc dù đây là thời kỳ khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và các biến động địa chính trị trong khu vực và trên thế giới, ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu. Các năm trước đó, trung bình dòng vốn FDI từ Singapore vào Việt Nam chỉ ở mức 4,5-5 tỷ USD/năm. Các Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tiếp tục hoạt động hiệu quả và không ngừng được mở rộng và nâng cấp, trở thành biểu tượng thành công trong hợp tác đầu tư giữa hai nước. Hiện tại đã có 14 VSIP và thu hút nguồn vốn đầu tư 17 tỷ USD, tạo ra hơn 300.000 việc làm.

Đầu tư của Singapore vào Việt Nam có một số đặc điểm. Theo lĩnh vực đầu tư, các dự án đầu tư của Singapore tập trung nhiều nhất trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản và sản xuất điện. Tiếp theo là các lĩnh vực Bán buôn bán lẻ, Khoa học công nghệ, Thông tin truyền thông,.... Tính theo địa bàn đầu tư, Singapore hiện đã có đầu tư tại 51/63 tỉnh/thành phố của Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương là 3 địa phương tiếp nhận vốn đầu tư nhiều nhất (với tỷ trọng lần lượt là khoảng 19%, 11% và 8% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là Bắc Ninh, Long An, Quảng Nam,...Tất nhiên, cũng cần phải nói rằng, dòng đầu tư từ Singapore vào Việt Nam không chỉ đến từ các doanh nghiệp bản địa của Singapore, các quỹ đầu tư chính phủ, mà còn từ các Tập đoàn nước ngoài hiện diện tại Singapore.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng.PV: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Singapore vào tháng 2/2023 và trong chuyến thăm đó lãnh đạo hai nước đã cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới. Xin Đại sứ cho biết thêm về những trọng tâm mới này, cũng như triển vọng của những mảng hợp tác này trong tương lai?

Đại sứ Mai Phước Dũng: Trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 2/2023 vừa qua, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác về Kinh tế Xanh và Kỹ thuật số và đây có thể được coi là một dấu mốc quan trọng cho sự kết nối, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giữa hai nước trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; nâng tỉ trọng chất xám và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiện đại.

Lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số là một trong những thế mạnh của Singapore. Singapore là nước đang đi đầu khu vực trong ký kết các hiệp định kinh tế số với rất nhiều quốc gia. Kinh tế số cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay, và chúng ta có rất nhiều tiềm năng. Vì thế, tôi cho rằng đây là lĩnh vực mà hai bên có thể tăng cường hợp tác hơn nữa, cùng chia sẻ kinh nghiệm, các sáng kiến, nền tảng trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Tương tự, kinh tế xanh cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050. Trong hợp tác kinh tế xanh, năng lượng tái tạo là lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Singapore là đảo quốc nhỏ, không có lợi thế về các nguồn năng lượng thay thế, nhưng bạn lại có thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm. Còn Việt Nam chúng ta lại có rất nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Như các bạn đã biết điện gió chúng ta rất có thế mạnh với bờ biển dài hơn 3200 km. Trữ lượng điện gió ngoài khơi của chúng ta có thể nói là rất lớn, trên 100 Gigawat. Rõ ràng, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này sẽ giúp cả hai bên đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào thàng 2 vừa qua, Việt Nam cũng cam kết là khi điều kiện cho phép sẽ xuất khẩu điện sạch sang Singapore.

Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nướcNhững dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.PV: Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước cả trong quan hệ song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, những lĩnh vực nào 2 bên có thể thúc đẩy mạnh mẽ thời gian tới?

Đại sứ Mai Phước Dũng: Quan hệ Việt Nam - Singapore hiện đang ở giai đoạn đặc biệt tốt đẹp với niềm tin chính trị lẫn nhau sâu sắc, hợp tác kinh tế và đầu tư chặt chẽ, giao lưu nhân dân gắn bó. Để duy trì và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương tốt đẹp hiện nay, theo tôi hai nước cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

(i) Tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác đã có một cách hiệu quả, đặc biệt trên lĩnh vực chính trị (ví dụ cơ chế Tham vấn Chính trị thường niên giữa hai nước), đảm bảo sớm trao đổi, chia sẻ thẳng thắn và chân thành với nhau về những vấn đề quốc tế và song phương hai bên còn khác biệt, từ đó tránh những hiểu lầm không đáng có.

(ii) Tập trung và ưu tiên thúc đẩy hợp tác ở những lĩnh vực hai bên có thế mạnh và có tầm nhìn tương lai. Về kinh tế: Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số. Hiện thực và cụ thể hoá Bản ghi nhớ về Thiết lập quan hệ đối tác kinh tế xanh – kinh tế số giữa hai nước ký đầu năm nay. Hai bên cũng có thể hợp tác trong các lĩnh vực KHCN cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo.v.v… Về chính trị: Tập trung vào lĩnh vực hợp tác đào tạo nâng cao nhân lực, cải cách hành chính theo hướng hiện đại, hiệu quả; phối hợp lập trường trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt những vấn đề có tác động trực tiếp tới Singpaore và Việt Nam, như vai trò trung tâm của ASEAN, hợp tác trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp quốc... Về an ninh - quốc phòng: Phối hợp, chia sẻ thông tin, phòng chống tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia; nghiên cứu khả thí điểm chia sẻ dữ liệu cơ bản của người dân để thuận lợi hoá quá trình di chuyển của công dân hai nước và đảm bảo an ninh quốc gia. Về giao lưu nhân dân: Tích cực hỗ trợ các chương trình giao lưu nhân dân hai nước, góp phần hiểu biết hơn về nhau.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Singapore cùng là thành viên của nhiều cơ chế đa phương, đặc biệt các cơ chế trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Hai nước cơ bản chia sẻ lập trường về các vấn đề quốc tế; đặc biệt xây dựng trật tự khu vực và quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực toàn cầu. Thực tế tình hình quốc tế và khu vực đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh và phát triển của cả Việt Nam và Singapore. Hai nước có thể tập trung phối hợp trong ba nội dung chính sau trong các cơ chế đa phương:

(i) Khẳng định vai trò tối thượng của Luật pháp quốc tế trong xây dựng trật tự khu vực và quốc tế. Mọi hành vi của các nước trong quan hệ quốc tế đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và quy định của Luật pháp quốc tế.

(ii) Phấn đấu đảm bảo tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực.

(iii) Góp phần định hình các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, đặc biệt các thoả thuận đa phương mới như CPTPP, RCEP trên nguyên tắc mở, mang tính bao trùm, vì hoà bình ổn định và cùng có lợi.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ!

Ngọc Diệp - Đặng Tuyên/VOV-Bangkok
Thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận