Tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa để đầu cơ

Cần đánh giá kỹ tác động của chính sách, tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa nhằm phục vụ mục tiêu đầu cơ.

 

Tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách, sáng 30/8, cho ý kiến vào một số vấn đề lớn của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) các đại biểu đề nghị, cần đánh giá thật kỹ tác động của chính sách, tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa nhằm phục vụ mục tiêu đầu cơ, không sản xuất nông nghiệp.

Đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang cho rằng, có một số nội dung trong dự thảo Luật chưa cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 18 của Trung ương. Đó là, mục tiêu thị trường bất động sản trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phải trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, nhưng thực tế việc phân bổ đất đai qua cơ chế thị trường đã làm sai lệch méo mó kết quả.

Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang.

"Người có nhu cầu, có khả năng sử dụng không tiếp cận đất đai hoặc tiếp cận với chi phí quá cao, làm tăng chi phí kinh doanh, giảm hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đất đai lại trở thành công cụ đầu cơ để sinh lời, tích chữ, chứ không được đưa vào khai thác, sử dụng. Vậy giải pháp nào giải quyết vấn đề này, chẳng hạn giải pháp về thuế, cần phải được tính đến. Thu thuế lũy tiến đối với việc sử dụng vượt hạn mức hoặc là thuế nông nghiệp, đất nông nghiệp phải có thuế không thì người dân bỏ đất hoang, chờ đền bù" - Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang cho biết.

Một số ý kiến cũng cho rằng, sử dụng đất phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân. Vì vậy, cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến, mỗi vị trí đất đều có những lợi thế khác nhau, khi nhắc đến lợi ích quốc gia, địa phương cần xác định vị trí đất: "Nếu quy hoạch xác định diện tích đó là một loại dự án nhất định vì lợi ích của quốc gia và địa phương có những tham số chủ yếu. Doanh nghiệp họ làm được thì chỉ đấu giá quyền sử dụng đất, công bố tham số để doanh nghiệp tự làm dự án, không đấu thầu dự án trên đó. Còn nếu ở vị trí đó giao thông, nhà máy nhiệt điện, hoặc là bến cảng... Dự án phải có tiêu chí và thiết kế rất đặc thù thì Nhà nước phải chỉ ra. Lúc đó là đấu thầu làm dự án".

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn TP. Hồ Chí Minh.

Đánh giá cao việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần thúc đẩy việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích và huy động được các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn Thái Bình cho rằng, đây là nội dung lớn, nhạy cảm nên cần phải được đánh giá thật kỹ những tác động của chính sách: "Quy định cụ thể nhằm bảo đảm việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng phải kèm theo điều kiện quy định rất cụ thể giúp cho việc kiểm soát chặt chẽ. Tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa nhằm phục vụ mục tiêu đầu cơ nhưng không sản xuất nông nghiệp. Kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng".

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến ĐBQH chuyên trách nghiêm túc, đảm bảo quyền, trách nhiệm của nước và chủ sở hữu toàn dân về đất đai.

Liên quan đến thẩm quyền của địa phương trong chuyển quyền về đất rừng, đất lúa, Bộ trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ: "Chúng ta đã có nghị quyết đặc thù của Quốc hội cho các địa phương có thẩm quyền, đặc biệt là về chuyển quyền về đất rừng và đất lúa. Hiện nay chúng tôi thẩm định và trình Chính phủ những dự án trên 10 héc-ta đất lúa, trong Luật đất đai đã giải quyết vấn đề này. Tức là phân cấp thẩm quyền cho địa phương. Trong Luật đất đai cũng điều chỉnh Luật lâm nghiệp để phân cấp thông suốt đồng bộ trong luật. Mặc dù là giao thẩm quyền địa phương có quyền nhưng phải có quản lý thống nhất của Chính phủ, đảm bảo được tổng thể của quốc gia"./.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận