Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

 

Tiếp tục phiên họp thứ 13, sáng 27/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Nhiều kết quả khả quan, song không ít khó khăn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần qua hàng tháng; bình quân 8 tháng tăng 3,1% . Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp, hướng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Mặt bằng lãi suất giảm tích cực, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022; thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được duy trì, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Thu NSNN 8 tháng ước đạt 69,4% dự toán, phấn đấu cả năm đạt 100% dự toán được giao trong khi thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 8 đạt 42,35% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (39,15%), về số tuyệt đối cao hơn gần 87 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3%.

Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn; tính chung 8 tháng có 149,4 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo từ Bộ KH-DDT cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tăng trưởng kinh tế các quý chưa đạt mục tiêu đề ra; mặc dù tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước nhưng tính chung 6 tháng GDP chỉ tăng 3,72%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp; sản xuất công nghiệp còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu NSNN 8 tháng giảm 8,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để.

”Đối với những hạn chế, khó khăn có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu” – báo cáo nhấn mạnh. Trong đó, việc nắm bắt và dự báo tình hình chưa sát; phản ứng chính sách của một số cơ quan, địa phương còn chậm, chưa kịp thời, chưa tận dụng hết các cơ hội phục hồi và phát triển từ bên trong và bên ngoài.

Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và công tác tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa kịp thời, nhất là những vấn đề phát sinh mới; có lúc, có nơi còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ngại khó; thủ tục hành chính còn rườm rà, ách tắc; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc; tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một số trường hợp và trong một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục hiệu quả.

Thời cơ và khó khăn đan xen trong năm 2024

Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, dựa trên chỉ tiêu 5 năm 2021 – 2025 Quốc hội đã thông qua. Trong đó: Tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; (4) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...

Tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia đưa vào khai thác; tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những khó khăn nội tại.

hứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhìn chung, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu được đặt ra là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Trong các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh việc có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển bền vững, ổn định, lành mạnh các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận