Chủ tịch Quốc hội: Hậu Giang quyết liệt để ban hành quy hoạch trong năm 2023

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, sáng 10/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang.

 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hậu Giang cố gắng, quyết liệt làm sao trong năm nay phải ban hành được Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bởi theo Nghị quyết 61 của Quốc hội thì đã chậm 1 năm so với yêu cầu.

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, sáng 10/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang. 

Tham gia đoàn công tác có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành Trung ương. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang. GRDP 9 tháng đứng đầu cả nước

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã chủ động lường đón, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, tỉnh đang nổi lên là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của cả nước, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 3,28% (cao hơn cả nước 2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước. 9 tháng năm 2023, đạt 13,30%, vươn lên đứng đầu cả nước. Quy mô kinh tế tăng hơn 10 lần so với năm 2004. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, bình quân trên 15%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, nhiều nhà đầu tư có uy tín đã đến Hậu Giang tìm cơ hội đầu tư. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án được đẩy nhanh tiến độ. Theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sắp tới Hậu Giang sẽ có 2 tuyến đường cao tốc (Bắc - Nam và Đông - Tây) đi qua. Tỉnh đã khẩn trương phối hợp với các địa phương trong Vùng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân giảm 1,44%/năm. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm. Tỉnh đã có chủ trương vận động xây dựng 1.400 căn nhà “Đại đoàn kết” cho các đối tượng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới thực chất, đạt kết quả tích cực: đã ban hành Đề án về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ, giảm biên chế nhiều hơn quy định Trung ương, để tuyển mới cán bộ trẻ, có trình độ năng lực vào hệ thống chính trị.

Tỉnh Hậu Giang đã triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai 6 dự án thuộc nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tổng mức đầu tư 10.300 tỷ đồng.

Công tác quy hoạch phải đi trước một bước

Tại cuộc làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đã phát biểu làm rõ những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cũng như những mặt còn tồn tại, giải pháp khắc phục để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các cơ quan hữu quan và Chính phủ đang thực hiện tiến trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với những tiềm năng, lợi thế hiện có của Hậu Giang, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng, Hậu Giang sẽ phát triển đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng và phát triển vùng.

Đồng tình với những ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành, kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang có nhiều dấu ấn nổi bật; đề nghị tỉnh tiếp thu tối đa các ý kiến tại cuộc làm việc để triển khai.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh rà soát mục tiêu, dự án để duy trì tốc độ tăng trưởng đóng góp chung cho cả nước và cho tỉnh trong cả nhiệm kỳ; sớm báo cáo kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII và triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết.

"Chúng tôi đề nghị tỉnh Hậu Giang cố gắng, quyết liệt làm sao trong năm nay phải ban hành được Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện, quy hoạch của cả 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới có 2 tỉnh Long An và Sóc Trăng đã công bố. Theo Nghị quyết 61 của Quốc hội, yêu cầu chậm nhất năm 2022 phải hoàn thành, như vậy đã chậm 1 năm. Quy hoạch phải đi sớm trước một bước, từ đó mới bắt đầu tính toán lại cơ cấu về đất công nghiệp. Nếu cần thiết Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh ứng trước diện tích đất khu kinh tế và đất của khu công nghiệp. Trong trường hợp khác có thể điều phối giữa tỉnh này tỉnh kia", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh chú trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm xuất cư, tăng lao động chất lượng cao.Để phấn đấu mục tiêu đến 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá của cả nước, đến 2050 trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp là trung tâm logistic của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh chú trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm xuất cư, tăng lao động chất lượng cao; lưu ý đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, có tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư để gia tăng công nghiệp chế biến chuỗi giá trị; phát triển công nghiệp hiện đại; độ thị thông minh chất lượng cao.  

Chủ tịch Quốc hội lưu ý về lĩnh vực nông nghiệp cần theo hướng sinh thái, gắn với chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, mang tính liên kết vùng. Về giáo thông cần tập trung vào các dự án trọng điểm, tính toán kỹ các đường gom nội vùng để tận dụng lợi thế đường cao tốc để phát triển.

Đánh giá cao và đồng tình với mục tiêu: “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm” của tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội nói chỉ có Hậu Giang mới có phương châm này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh cần xác định lại 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu để phát triển công nghiệp. 

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trao tượng trưng 5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn bức xúc về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Lê Tuyết/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận