'Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu nhưng 5% cũng thuộc nhóm cao'

Tăng trưởng khoảng 5% của Việt Nam trong năm nay dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á.

 

Dẫn số liệu dự báo của IMF, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, tăng trưởng khoảng 5% của Việt Nam trong năm nay dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á.

5% tăng trưởng là con số rất đáng khích lệ

Báo cáo giải trình thêm tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023, sáng 16/10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự báo năm nay tăng trưởng khoảng 5%. Tuy không đạt mục tiêu nhưng so với tình hình chung của quốc tế thì đây là con số rất tích cực và rất đáng khích lệ.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.“Chúng ta không điều chỉnh mục tiêu, tinh thần chung là quyết tâm thực hiện ở mức độ cao nhất mục tiêu của năm nay, vì nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến các năm tới, ảnh hưởng cả kế hoạch 5 năm” - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đang tập trung chỉ đạo.

Về công tác quy hoạch, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết đã thẩm định khoảng 90/110 quy hoạch. 2 quy hoạch của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là khó và hiện trong giai đoạn tư vấn đang làm việc. “Cố gắng đến cuối năm 2023, chúng ta cơ bản sẽ hoàn thành các quy hoạch này, trong đó có 63 quy hoạch địa phương, 5 quy hoạch vùng còn lại và 38 quy hoạch ngành”.

Đề cập kết quả giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói rằng, năm nay với nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ thì tình hình khả quan hơn, tốt hơn năm ngoái, tỷ lệ tuyệt đối rất cao và Chính phủ sẽ phấn đấu đảm bảo 95% giải ngân đầu tư công năm nay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Liên quan cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ông cho biết còn rất khó khăn và phức tạp. Chính phủ đã thành lập tổ công tác, giao cho các bộ, ngành cải cách thủ tục hành chính, rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để xây dựng một nghị quyết riêng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm nay phấn đấu đạt ít nhất 10/15 chỉ tiêu. Tăng trưởng dự kiến không đạt mục tiêu nhưng cũng cao so với dự báo.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp.Dẫn báo cáo của IMF, Phó Thủ tướng cho biết dự báo kinh tế toàn cầu “có giảm đi một chút, còn 2,9%, trước đó dự báo 3%”; khu vực đồng Euro dự báo xuống mức 0,7%; trong ASEAN thì Campuchia được dự báo tăng cao nhất khoảng 5,6%; Philippines là 5,3%, Indonesia 5%; Việt Nam được dự báo khoảng 4,7% năm 2023; còn Singapore và Brunei rất thấp.

“Như vậy tăng 5% thật ra không đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Về giải ngân đầu tư công, ông Lê Minh Khái cho rằng, dù chưa đạt như mong đợi nhưng có cải thiện so với 2 năm gần đây. Quý II, quý III đều tăng và đây là sự nỗ lực rất lớn.

Khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, trong nước đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài và bất cập, hạn chế nội tại của nền kinh tế.

Tuy nhiên, vượt qua nhiều thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tích cực hơn; bội chi nợ công trong giới hạn cho phép; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả nổi bật, uy tín; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề cần có giải pháp tháo gỡ, dự kiến có 5/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt mục tiêu đề ra. Đáng lưu ý là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến không đạt mục tiêu; tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế suy giảm, kể cả 3 trụ cột chính là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng…

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, tiêu chí, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như Chính phủ trình, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bám sát mục tiêu tổng quát, thực hiện các nội dung có trọng tâm, trọng điểm để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu một cách toàn diện, tạo đà cho 5 năm; giải quyết các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, trong đó tập trung vào các nội dung về cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả

Cùng với đó tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận vốn tín dụng, điều hành hợp lý tỷ giá lãi suất, kiểm soát chặt chẽ, chất lượng tín dụng, nợ xấu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học, công nghệ.

“Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ dự án không cần thiết, không đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức” - ông Nguyễn Đức Hải nói.

Hiếu Minh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận