Xây dựng Đảng ở vùng dân tộc thiểu số: Nói để dân hiểu, làm để dân tin

  • 20/10/2023 02:00:00
  • Nguyễn Khoa Điềm - VOV Tây Nguyên
  • Chính trị
  • 0

Kể từ khi ánh sáng của Đảng, Bác Hồ đến Kon Tum, 93 năm qua, người Xơ Đăng, Ba Na, Gié- Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm và Hrê vẫn một lòng, một dạ tin yêu Đảng

 

Để gìn giữ niềm tin sắt son ấy, công tác xây dựng Đảng ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum luôn được các cấp ủy đặc biệt quan tâm chú trọng. Cùng với đó, tỉnh triển khai đồng bộ các nghị quyết hướng về cơ sở, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, coi cầm tay chỉ việc trong xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống cho từng gia đình, từng thôn làng, là nhiệm vụ xuyên suốt.

Thôn Kon Hring, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô bây giờ đã đổi thay toàn diện về kinh tế xã hội, với Nhà Rông mới vươn cao giữa những ngôi nhà ở gọn gàng tươm tất; những con đường bê tông khang trang chạy giữa mướt xanh của hoa màu và cây trái. Nhưng cũng ở làng Kon Hring, vẫn còn đó khu đất, nơi một ngôi nhà thờ đã đổ sụp vì bom Mỹ, được giữ lại làm chứng tích chiến tranh. Những dân làng Kon Hring phải sang tận tỉnh Đăk Lăk để tránh bom đạn thời chiến, nay thường xuyên về thăm làng cũ để nhớ kỹ một thời máu đổ và ly tán, để hiểu sâu hơn sự trân quý của hòa bình, thống nhất mà Đảng và Cách mạng đã đem lại.

Bà Y Hxuân, người dân Kon Hring xúc động: “Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhất vì là người dân tộc Xơ Đăng. Quan tâm phát triển kinh tế, cấp các loại cây trồng, tạo điều kiện cho dân làng có một Nhà Rông. Bà con nỗ lực làm ăn để kinh tế khá giả. Bây giờ nhà cửa, gia đình cũng khang trang rồi”.

Nếu như bà con ở Kon Hring từ đổ nát và ly tán mà thêm trân trọng thành quả cách mạng, tin theo Đảng và Nhà nước, thì người dân các thôn làng dân tộc thiểu số huyện Tu Mơ Rông phía bắc của tỉnh, lại thêm tin yêu Đảng trong suốt những tháng năm có cán bộ về cùng ăn, cùng ở, cùng làm để đẩy lùi nghèo đói và lạc hậu. Anh A Hai, nhà ở thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà cho biết, nhờ tin theo Đảng và cán bộ, gia đình anh đã trồng được trên 5.000 cây gáo vàng lấy gỗ, nuôi hàng chục con bò, trâu, đào ao nuôi cá…với tài sản trị giá hàng tỷ đồng.

Cán bộ đảng viên xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số chăm sóc cây mía.“Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, thuận lợi trong việc đi lại. Hiện nay bà con cố gắng làm ăn phát triển kinh tế và luôn có ý thức học tập, làm theo gương Bác Hồ. Tôi thay mặt bà con dân làng cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ bà con rất nhiều’’, anh A Hai bày tỏ.

Theo ông Trương Hồng Doanh, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, nếu như bà con các dân tộc trong huyện luôn có lòng tin tuyệt đối vào Đảng, thì các cán bộ - đảng viên từ xã đến huyện cũng luôn xứng đáng với lòng tin ấy. Các cán bộ đã có nhiều năm đồng cam cộng khổ, sâu sát đồng hành với dân từ việc nhỏ đến việc lớn, tạo sự gần gũi, mật thiết.

“Các cán bộ đảng viên ở đây luôn phát huy được tính tiền phong gương mẫu trong vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nghe, không làm theo lời kẻ xấu xúi giục. Xã hiện không còn các hủ tục lạc hậu. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế”, ông Trương Hồng Doanh cho biết.

Theo ông Ka Ba Tơ, 83 tuổi, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, những lời nói vừa rồi đều từ đáy lòng của bà con dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Từng trải qua chiến tranh và các thời kỳ xây dựng - phát triển tỉnh Kon Tum, ông Ka Ba Tơ khẳng định, từ những năm đầu cách mạng, người Xơ Đăng, Ba Na, Gié- Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm, Hrê ở tỉnh Kon Tum đã tin vào Đảng, vào Bác Hồ. Niềm tin ấy được thử thách qua máu lửa chiến tranh và càng bền bỉ sắt son khi được các cấp ủy đặc biệt quan tâm bồi đắp. Ông Ka Ba Tơ cũng cho biết, từ khi tái lập tỉnh năm 1991, Tỉnh ủy Kon Tum đã liên tục ban hành các chỉ thị, nghị quyết về phát triển kinh tế gắn với thực hiện chính sách dân tộc; triển khai rộng khắp các đơn vị kết nghĩa xây dựng xã vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới đặc biệt khó khăn, nên niềm tin ấy càng thêm vững chắc.

“Từ Chỉ thị 10 đến Nghị quyết 01, đến Nghị quyết 04 có giá trị và ý nghĩa quan trọng. Nghị quyết làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ và bền vững. Thứ hai là xây dựng Đảng vững mạnh làm nòng cốt cũng như vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên để dìu dắt nhân dân thực hiện đúng các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước”, ông Ka Ba Tơ chia sẻ.

Tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Kon Tum và cả nước trong giai đoạn mới, cách đây hơn 2 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đảng viên mới A Niêng, Chi bộ thôn Tu Krối, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, cuộc vận động này chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra, bởi có thêm sự đồng hành của lớp trẻ, của các đảng viên mới có cả tri thức, niềm tin và khát khao cống hiến.

“Tôi rất vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bản thân sẽ cố gắng hết sức mình học hỏi, trau dồi. Những điều học được tôi sẽ về phổ biến cho bà con, giúp cho bà con ở thôn trồng trọt, chăn nuôi, thoát nghèo; giúp cho thanh niên có việc làm”, đảng viên A Niêng bày tỏ.

Nguyễn Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận