Đại biểu Quốc hội: Làm chủ vũ khí công nghệ cao cần được quan tâm kỹ lưỡng

Đại biểu Quốc hội cho rằng, khả năng làm chủ công nghệ và sản xuất vũ khí công nghệ cao cần được quan tâm kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.

 

Chiều 8/11, thảo luận ở Tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQPAN và ĐVCN), các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (CNQP), 20 năm thực hiện Pháp lệnh ĐVCN và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh.

Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh ở cả khâu nghiên cứu khoa học, sản xuất, trang thiết bị vũ khí nhân lực và quản lý Nhà nước. Bởi theo đại biểu, công nghiệp an ninh còn có sự tham gia của Bộ Công an, do đó, cần nghiên cứu bổ sung phân định trong dự luật này để tránh nhầm lẫn, xáo trộn trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) phát biểu tại tổ.

Đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, dự án luật phải đặt trong mối tương quan trong các luật khác như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ... để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật...

“Các công trình hay sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh cần được quy phạm cụ thể, để tránh chồng chéo, trùng lắp với các công trình và các sản phẩm khác được nêu trong Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự - sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 này”, bà Sửu nói.

Đề cập vấn đề sản xuất các trang thiết bị vũ khí quốc phòng và an ninh đáp ứng kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu, nữ đại biểu cho rằng, khả năng làm chủ công nghệ và sản xuất vũ khí công nghệ cao cần được quan tâm kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.

Cần quan tâm bản quyền

Quan tâm vấn đề bản quyền, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm, bởi bản quyền trong công nghiệp quốc phòng thuộc về nhiều cấp khác nhau. Có trường hợp bản quyền thuộc về các doanh nghiệp, nhưng Nhà nước vẫn phải có chính sách để quản lý và đảm bảo năng lực về công nghiệp quốc phòng của đất nước. Đại biểu lấy dẫn chứng về hãng sản xuất vũ khí tư nhân tại Mỹ, khi bán cho đối tác nào thì vẫn phải do Chính phủ cho phép.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang).

“Vấn đề là được phép xuất khẩu đến đâu và như thế nào, để tham gia vào thị trường thế giới. Theo đó, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa vẫn đảm bảo và giữ được bí mật quốc gia, giữ được vai trò dẫn dắt, đảm bảo bản quyền của quốc gia. Tôi đề nghị, trong luật phải có một quy định rõ ràng cho vấn đề bản quyền”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Nêu ý kiến với việc nhà đầu tư nước ngoài đóng góp như thế nào trong tình huống thời chiến, đại biểu đoàn Bắc Giang cho rằng: “Trong thời bình, các nhà đầu tư có môi trường được đảm bảo hoà bình, an ninh để thực hiện đầu tư và thu về lợi nhuận. Như vậy, trong thời chiến, các nhà đầu tư là người Việt đều có trách nhiệm đóng góp, thậm chí còn phải huy động về nhân lực. Đối với những nhà đầu tư nước ngoài có tài sản tại Việt Nam, vẫn cần thiết phải đóng góp và thực hiện các quy định trong tình huống thời chiến. Như vậy mới là bình đẳng và mới mở rộng được phạm vi đầu tư”.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, thực tế đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang đóng góp rất lớn về tài sản và nguồn lực. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nắm giữ những công nghệ tiên tiến. Do đó, nếu bỏ lực lượng này ra khỏi luật thì sẽ bỏ rơi một tiềm lực rất lớn để phục vụ cho công nghiệp quốc phòng.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận