Đại biểu Quốc hội hiến kế: Ngăn sở hữu chéo và không cho phép ngân hàng liên kết bán bảo hiểm

Lãi suất thực do phải mua bảo hiểm tăng 50 - 100%, không nên cho phép ngân hàng liên kết bán bảo hiểm hay siết tỷ lệ sở hữu có loại bỏ được sở hữu chéo hay không?… là những nội dung quan trọng đã được các đại biểu đưa lên bàn nghị luận tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

 Siết tỷ lệ sở hữu có loại bỏ được sở hữu chéo?

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhiều đại biểu quan tâm về các quy định có liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng và chi phối của các tổ chức tín dụng. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, các đại biểu cho rằng, một biện pháp không đủ mà cần tất cả các biện pháp phải thống nhất, xuyên suốt, tiến hành đồng bộ.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ tháng 7/2023 cho thấy tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra ở một số ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu chéo cao dẫn đến xung đột lợi ích khiến hoạt động cấp tín dụng thường được hướng vào một số khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó gây mất an toàn cho ngân hàng. Trong khi đó tỷ lệ sở hữu tối đa thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng khi sở hữu tỷ lệ vốn quá thấp các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đơn cử như trường hợp của SCB thời gian vừa qua, mặc dù sở hữu của cá nhân chỉ 5%, nhưng nhờ người này, mượn danh người kia đứng tên vì thế chỉ quy định trong luật thì không đủ mà trong cả công tác tổ chức triển khai thực hiện, giám sát.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Cao Bằng cho rằng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không vượt quá 15% và 20%, giảm xuống còn 10% và 15%. Mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn. “Tôi cho rằng vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo, điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15% đến 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó.

Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết, tuy nhiên khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp, nếu nhìn trên giấy tờ nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối. Do đó, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan cổ đông, có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái”, đại biểu An nói.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Lương Văn Hùng - Quảng Ngãi cho rằng, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo, bởi vì có hay không có tồn tại sở hữu chéo sẽ thông qua việc xác định người có liên quan của cổ đông. Một khi cổ đông được xác định là người có liên quan của cổ đông khác thì mặc nhiên các cổ đông này sẽ phải nằm trong giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định. Hiện nay tình trạng sở hữu chéo xảy ra dựa trên việc các tổ chức, cá nhân cố gắng xử lý theo hướng không thuộc người có liên quan của cổ đông khác để từ đó không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người có liên quan, nhưng thực tế thì giữa các cổ đông này có liên quan, liên kết với nhau để từ đó chi phối, thâu tóm hoạt động của tổ chức tín dụng. Do đó, việc điều chỉnh quy định về người có liên quan hoặc cần có cơ chế để nâng cao tính minh bạch trong quản trị tổ chức tín dụng bao gồm phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Lãi suất thực do phải mua bảo hiểm tăng 50 - 100%

Day dứt mãi về hình ảnh một người phụ nữ vì khoản nợ phải trả, đã đến ngân hàng thương mại cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, chỉ còn lại 280 triệu đồng, bước ra khỏi ngân hàng 2 hàng nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc mà đại biểu Phạm Văn Thịnh - Bắc Giang tình cờ gặp đã thôi thúc ông phát biểu thêm về liên kết bán bảo hiểm.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh:

Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại dễ dàng đã kéo các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận. Tôi đề nghị nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại không được thực hiện thì dự thảo luật cần bổ sung, giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho hay, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%, mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp. Chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 - 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.

Chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại. Xin nêu số liệu năm 2020 của một số ngân hàng, VietcomBank có lợi nhuận trước thuế là 23.050 tỉ đồng thì phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỷ đồng. Ngân hàng ACB là 9.596 tỷ đồng thì phí trả trước ngân hàng được hưởng đã là 8.400 tỷ đồng. Chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, có thể nói giai đoạn từ 2018 - 2022 thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại đã chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng VIB đã từng bị khách hàng phản ánh “ép” mua bảo hiểm khi vay tiền.

“Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, tôi cho rằng nếu dự thảo luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113 là ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm thì sẽ không có gì đảm bảo cho tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua”, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp cũng nêu quan điểm: Đây là lần thứ ba tôi bảo vệ quan điểm không nên cho phép Ngân hàng thương mại cổ phần liên doanh, liên kết bán bảo hiểm đối với công ty bảo hiểm, hệ lụy đã xảy ra. Hiện nay theo tôi biết đang còn dai dẳng một số công ty bảo hiểm khách hàng người ta đang rất thắc mắc về chuyện bán bảo hiểm. Đối với việc ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm và lợi nhuận của ngân hàng được chi hoa hồng rất cao, chi hoa hồng cao như vậy công ty bảo hiểm thu tiền của khách hàng sau đó trả lại bảo hiểm, lợi nhuận sẽ như thế nào.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

“Tôi nói hơi kỳ nhưng chỉ có giật của người ta mới có lợi chứ không có cách nào lợi nhuận cao như thế. Sau mấy chục năm sau mới được trả tiền, mỗi lần được trả tiền và lấy lại được bảo hiểm rất khó khăn. Có khi người dân bỏ luôn bảo hiểm vì cực khổ quá. Đối với ngân hàng khi đã nhận liên kết với bảo hiểm thì buộc nhân viên ngân hàng phải bằng mọi cách vận động khách hàng vay tiền phải mua bằng được bảo hiểm, không bán được bảo hiểm nhân viên ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí giảm chỉ tiêu thi đua của nhân viên”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận