Nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi tới Quốc hội

Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng được cử tri cả nước trông đợi.

 

Diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 10 khóa 12 vừa kết thúc, nhiều cử tri đánh giá cao việc Trung ương 10 thống nhất cao về tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Tuy nhiên, cử tri còn lo lắng một số vấn đề như: tính tự chủ của nền kinh tế được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội. Đồng thời đề nghị giải quyết những vấn đề đã được kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng được cử tri cả nước quan tâm.

Tin tưởng và kỳ vọng là suy nghĩ của nhiều cử tri trước thềm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14. Bởi kỳ họp này diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 10 vừa kết thúc với việc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả đạt được Hội nghị lần này và cho rằng: Hội nghị Trung ương 10 mới chỉ là định hướng, cách làm, nhưng vô cùng quan trọng, không chỉ tầm nhìn mà cả những quyết sách nhằm củng cố vị thế chiến lược đất nước, khẳng định uy tín của quốc gia trên trường quốc tế và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cử tri Nguyễn Túc, phường Phương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội đánh giá: “Hội nghị Trung ương đã giải quyết trúng nhu cầu bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tình hình hiện nay. Nếu không nâng cao sức chiến đấu của Đảng mà trong đó nâng cao trách nhiệm phẩm chất, đạo đức của Đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền thì chúng ta khó củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng”.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội giành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật để thông qua 7 dự án luật. Đáng chú ý là Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia… Trước tình hình tai nạn giao thông thời gian qua do lái xe sử dụng rượu bia, ma túy. Cử tri kiến nghị Quốc hội bàn, có hình biện pháp xử lý những lái xe vi phạm, uống rượu bia trong quá trình lái xe. Đồng thời kiến nghị có giải pháp buộc Ban quản trị các khu chung cư sử dụng đúng mục đích quỹ bảo trì.

Cử tri Lê Hoàng Châu, thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế: “Đối với chung cư trên 20 tầng thì hiện nay kinh phí bảo trì ước độ trên dưới 20 tỷ đồng. Rõ ràng đây là miếng mồi lớn đối với 1 số phần tử xấu họ tìm cách chui vào Ban quản trị để trục lợi. Phải có giải pháp giảm nhẹ cho người mua nhà khi phải đóng kinh phí bảo trì, khi phải đóng kinh phí nhận nhà như hiện nay”.

Cử tri còn lo lắng về một số vấn đề như: tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực. Tình hình mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện; xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong xã hội; nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng tiếp tục xảy ra; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở nhiều địa phương; đặc biệt, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp. Cử tri Lê Triều Thôn, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ lo lắng: “Nhức nhối nhất là ma túy, trước đây vận chuyển ít có vài kg hay một hai trăm viên ma túy đá, nhưng giờ là cả ngàn kg ma túy đá. Vận chuyển một cách tinh vi. Vấn đề này nếu các cấp, các ngành không ngăn chặn triệt để thì 10 hay 20 năm sau, lực lượng trẻ sẽ nghiện ma túy đá và sẽ gây hỗn loạn cho xã hội. Bà con lo sợ ghê gớm về vấn đề này".

Trước những ý kiến, kiến nghị của cử tri, là cơ quan tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của cử tri, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: còn một số nội dung đã được cử tri, nhân dân và Đoàn Chủ tịch kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được được các bộ, ngành giải quyết triệt để. Trong đó, tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức… vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện và xử lý.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; kịp thời sửa đổi các thủ tục, quy trình chưa hợp lý; quy định rõ việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các vi phạm”, ông Trần Thanh Mẫn nêu.

Cử tri mong muốn kỳ họp thứ 7 tiếp tục là kỳ họp đổi mới, nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội, đóng góp ý kiến nhằm chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Đồng thời kỳ vọng Quốc hội tiếp tục đổi mới trong công tác lập pháp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề mà đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Lại Hoa/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận