Từ đề xuất 'phí chia tay', bàn chuyện học kinh nghiệm quốc tế

  • 12/06/2019 10:50:00
  • Xuân Thân - VOVTP.HCM
  • Chính trị
  • 0

Đề xuất thu 'phí chia tay' mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng nêu tại Quốc hội hôm 12/6, ngay lập tức thu hút tranh luận đa chiều từ xã hội.

 

Thoáng nghe thì nghĩ chỉ mới là đề xuất thêm một loại phí, nhưng nghe lý do đề xuất thu phí này với cách học kinh nghiệm quốc tế mà ĐBQH dẫn ra thì thấy rất có vấn đề. 

“Phí chia tay” là cách gọi nôm na của phí xuất cảnh được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) đề xuất khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Cụ thể, ông Hưng đề xuất thu một loại phí với mức từ 3 đến 5 USD đối với mỗi công dân xuất cảnh ra nước ngoài.

Theo dẫn giải của ĐB Nguyễn Quốc Hưng, một số nước đã áp dụng chính sách thu thuế hoặc phí xuất nhập cảnh. Trong đó, ở Nhật Bản, từ tháng 1/2019, mỗi công dân nước này khi ra nước ngoài phải đóng phí gọi là phí chia tay 1.000 yen/người (khoảng 9,3 USD). Phí này được sử dụng để thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản cũng như hoàn thiện việc xuất nhập cảnh cho công dân được tốt hơn; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông du lịch và thực hiện một số chính sách khác.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại hội trường. Vì thế, ông Hưng cho rằng, Việt Nam cũng nên thu phí chia tay và tiền này sẽ được trích cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ, hỗ trợ công dân khi ra nước ngoài gặp khó khăn; để cơ quan xuất nhập cảnh VN đầu tư nâng cấp máy móc, kỹ thuật… phục vụ công tác xuất nhập cảnh, đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước…

Có thể thấy, đề xuất chính sách là quyền của ĐBQH, nó không có gì sai, thậm chí có vẻ chính đáng khi tiền phí thu được sẽ tái đầu tư phục vụ nhiều việc, trong đó có việc hỗ trợ chính những người xuất cảnh. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại rằng, với nhiều quốc gia khác họ đang thu phí đó, trong đó có Nhật Bản, có thể là đang rất hợp lý, được người dân đồng thuận. Bởi vì nhiều lý do, trong đó chẳng hạn như nó tương xứng và chấp nhận được so với mức thu nhập của người dân, công tác phục vụ và chất lượng dịch vụ xuất nhập cảnh, hạ tầng giao thông du lịch và kể cả thái độ phục vụ của các bên liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh…

Còn ở ta, trong bối cảnh thu nhập của người dân còn thấp mà hàng loạt loại thuế, phí bủa vây khiến người dân bức xúc. Nhiều sắc thuế, phí mới đề xuất đã gặp phản ứng dữ dội và đã phải dừng, hoãn, giãn…tiến độ thực hiện. Trong khi đó, chất lượng và thái độ cung cấp dịch vụ ở nhiều lĩnh vực công, trong đó có xuất nhập cảnh vẫn còn khiến người dân chưa thực hài lòng và phải phàn nàn nhiều… thì thời điểm này đề xuất thu phí chia tay là chưa hợp lý.

Hơn nữa, với mức thu 3-5 USD/lần/người như ĐB Hưng đề xuất, không biết đã có tính toán dựa trên cơ sở cứ liệu khoa học và thực tiễn nào hay chỉ là áng chừng ngẫu hứng? Dù con số mức phí đề xuất từ đâu ra, cũng rất cần sự minh định cơ sở để có thể thuyết phục giới chuyên môn và công luận. Đặc biệt là, nếu không nghiên cứu, khảo sát cẩn thận, dù thực hiện đề xuất này thu về cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng chưa chắc đã là hiệu quả so với hệ quả nó gây ra với nhu cầu xuất nhập cảnh của người dân, và tác động tới tất cả các lĩnh vực hoạt động sống của xã hội.

Và tất nhiên, việc quản lý thu và chi phí này như thế nào để hiệu quả và tránh thất thoát cũng là một câu hỏi lớn đối với các nhà làm chính sách.

Từ đề xuất thu “phí chia tay” này, nhìn rộng ra thì thấy, đây không phải lần đầu tiên công luận nghe thấy giới chức sắc, nhà làm chính sách của Việt Nam dẫn lý do đề xuất chính sách là học tập kinh nghiệm nước ngoài. Nhưng không phải cái gì nước ngoài làm cũng đều có thể áp dụng với Việt Nam, đặc biệt là tính thời điểm của việc vận dụng. Vì Việt Nam có điều kiện văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, cơ sở hạ tầng, thu nhập của người dân… khác nước bạn. Đơn cử, Nhật Bản phát triển kinh tế, hạ tầng, thu nhập… hơn ta rất nhiều, nhưng họ cũng mới áp dụng thu phí chia tay này từ đầu năm 2019 đến nay, và cũng chưa có cơ sở thực tế để khẳng định hiệu quả bền vững của việc làm đó.

Vì thế, trước khi đề xuất hay thực thi bất kỳ chính sách nào, các nhà làm chính sách hãy nghĩ và tính toán cụ thể từ các sơ sở thực tại đó, đừng vội vàng. Và, trước khi tìm cách dội thêm phí lên đầu người dân, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức dân có hạn, các nhà làm chính sách nên dành nhiều thời gian, trí tuệ vào việc tìm giải pháp khoan sức dân, tăng cường nâng cấp chất lượng dịch vụ công, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; gìn giữ bản sắc văn hóa và lan tỏa vẻ đẹp Việt Nam trung thực qua kết quả phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường,… một cách thiết thực thì không chỉ góp phần gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, tăng nguồn thu từ thuế mà còn tự nó thành một lực hấp dẫn thu hút khách nước ngoài đến thăm thú và rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Điều đó tốt hơn nhiều việc gia tăng các loại phí để đầu tư quảng bá sáo rỗng. Học tập kinh nghiệm quốc tế là học cái hay của họ và phải vận dụng phù hợp thực tiễn Việt Nam, như thế mới mong mang lại hiệu quả phát triển bền vững.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận