Doanh nhân Phạm Thị Thuỳ Dương: Tiên phong đưa thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng

Với những bước đi vững chắc sau 7 năm, nữ doanh nhân trẻ Phạm Thị Thuỳ Dương đã xây dựng được chuỗi nông sản sạch gồm 9 cơ sở tại tỉnh Quảng Ninh.

 

Từng “xanh ruột” vì ăn rau ế

Phạm Thị Thuỳ Dương sinh năm 1987, tại Hạ Long, Quảng Ninh. Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh và ra trường công tác tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Những người thân quen đều bất ngờ bởi cô bé Dương ngày nào được bố mẹ bao bọc, chăm lo cho từng bữa ăn, ít khi phải quan tâm đến chuyện bếp núc giờ lại có niềm đam mê với rau, củ, quả, với phực phẩm chế biến. Bất ngờ hơn nữa, để có thời gian quản lý chuỗi nông sản sạch theo đuổi đam mê, chị Dương đã từ bỏ công việc hải quan với mức lương mà nhiều người mơ ước.

Chị Dương tâm sự: “Từ khi mẹ tôi mắc bệnh ung thư và mất vì căn bệnh này, tôi bắt đầu quan tâm đến thực phẩm. Càng tìm hiểu tôi càng thấy ảm ảnh về thực phẩm gia đình mình đã và đang sử dụng. Nó thật sự không an toàn”.

Doanh nhân Phạm Thị Thùy tham gia hội chợ hoa quả các nước Đông Nam Á.Khi ấy chị Dương mới 24 tuổi. Bắt đầu từ việc chị không mua rau ngoài chợ mà tìm đến những người nông dân, nhờ người ta trồng rau và mua hết số rau mà họ trồng được. Rồi qua tìm hiểu chị biết đến các sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn. Năm 2017, chị đã bàn bạc với chồng mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng mở cửa hàng kinh doanh các sản phẩm đó với mong muốn giản đơn phục vụ cho gia đình và những người xung quanh nơi mình sinh sống.

Ngay từ khi bắt đầu chị đã rất kỹ càng và tỉ mỉ trong khâu chọn lựa sản phẩm. Thông qua Sở Công Thương các tỉnh chị biết đến nhiều sản phẩm OCOP đặc sản địa phương và nhờ chịu khó tìm tòi, tham gia vào rất nhiều hội nhóm về nông sản mà sản phẩm chị nhập về bán đều có chất lượng, đảm bảo uy tín. Tuy nhiên chị gặp phải rào cản, đó là khách hàng hầu hết chưa biết đến khái niệm rau hữu cơ, rau tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap là gì, và giá cả lại đắt gấp nhiều lần ngoài chợ.

Chị Dương còn nhớ rất rõ, hồi mới bán cửa hàng của chị không có lãi, lỗ lắm. Rau hữu cơ đắt, ví dụ như dưa chuột 70 - 80.000 đồng/kg nên ít người mua. Hàng đắt, tiếp cận khách hàng khó, thời kỳ đầu rau nhà chị bán ế đem phát cho hàng xóm láng giềng ăn cũng không hết, thậm chí phải đổ bỏ. Cả gia đình “xanh ruột” vì ăn rau ế.

Sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt

Bán ế nhưng chị Dương và chồng không nản lòng và luôn luôn quyết tâm: “Tôi nghĩ kinh doanh trong lĩnh vực nào cũng thế, đi đầu rất là khó. Nhưng khi đã có được niềm tin khách hàng thì đó là niềm tin bền vững bởi họ đã cũng sẽ đi theo mình ngay từ đầu, họ sẽ đồng hành đến cùng với mình”.

Chuỗi Nông sản sạch tấp nập khách vào mua hàng.Chị Dương kể: “Cửa hàng nông sản sạch của tôi là cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ đầu tiên tại Hạ Long nên khá mới mẻ với mọi người. Tự tin về sản phẩm, tôi kiên trì giới thiệu, cung cấp các kiến thức về sản phẩm cho khách hàng. Nhiều người quan tâm sức khoẻ, người ta bắt đầu tìm hiểu và dùng thử. Dùng rồi thấy ngon. Dần dần khách dùng quen. Người biết giới thiệu cho người khác. Cứ như thế sản phẩm được nhiều người biết đến và tin dùng”.

Giá trị mà chị Dương đem đến cho khách hàng là sản phẩm có chất lượng và dịch vụ tốt, bởi theo chị khi làm tốt hai điều này giá cả không phải là vấn đề khách hàng quan tâm nữa. Với chị, sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng họ phải cảm thấy xứng đáng với “đồng tiền, bát gạo” bỏ ra. Chị Dương cùng với chồng thường xuyên đi khảo sát vùng trồng và vườn trồng. Chị có rất nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy các sản phẩm OCOP ngày một phát triển. Thắc mắc nào liên quan đến sản phẩm đều được chị Dương giải đáp rất rõ. Khi sử dụng nếu như xảy ra tình trạng ít nước đối với hoa quả, rau bị dập… khiến khách hàng không hài lòng, cửa hàng đổi lại sản phẩm tốt hơn cho khách.

Trang trại rau Đại Ngàn, một trong những đầu mối cung cấp cho Nông sản sạch.Đối với những sản phẩm hoa quả nhập từ Trung Quốc về để khách hàng yên tâm, mỗi lô hàng về chị lại gửi mẫu lên Hà Nội để test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi mẫu test có giá 5 triệu đồng, nhưng chị không tiếc.

Cứ như thế khách hàng đến với chuỗi cửa hàng của chị Dương dần dần hình thành thói quen tiêu dùng. Họ không những biết kiểm tra mã QR trên sản phẩm, biết địa chỉ xuất xứ vườn, có thông tin về tiêu chuẩn vùng trồng, vườn trồng, mà còn biết phân biệt đâu là sản phẩm an toàn, đâu là sản phẩm không an toàn bằng mắt thường và khi sử dụng sản phẩm.

Giúp đỡ người khác là duyên lành

Chị Dương chia sẻ, khách hàng đã sử dụng sản phẩm nhà mình sẽ không sử dụng những sản phẩm trôi nổi khác được nữa. Bởi khi ăn sẽ thấy rõ sự khác biệt. Cơ sở khiến chị có niềm tin ấy là có thời điểm nhà chị không có rau bán, khách hàng gọi lên vườn trồng thắc mắc.

Từ một cửa hàng nhỏ hiện chị Dương đang sở hữu chuỗi nông sản sạch gồm 9 cơ sở tại Hạ Long, Bãi Cháy, Cẩm Phả, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 60 lao động với mức lương trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/ tháng. Chuỗi có hai xe tải lạnh và kho để vận chuyển cũng như bảo quản hàng hoá. Nông sản sạch từ lâu đã trở thành bếp ăn tin cậy của nhiều gia đình với tiêu chí: Nguồn gốc rõ ràng - Sơ chế tại quán - Miễn phí giao hàng tận nhà - Tiết kiệm thời gian. Chuỗi nông sản sạch của chị Dương luôn luôn bình ổn giá. Các sản phẩm hoa quả trong nước thu mua tại vườn, không qua khâu trung gian. Hầu hết các đặc sản, hoa quả vùng miền khắp cả nước đều có tại các cửa hàng của chị. Ngoài thực phẩm tươi sống còn có sản phẩm đóng gói rồi sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, nếu khách hàng đặt món ăn chín cũng được phục vụ tận nơi với thực đơn hấp dẫn.

Khu trọ 0 đồng dành cho bệnh nhân chạy thận.Đối với chị Dương, thành công là do duyên lành. Vì thế, chị mang duyên đó giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chị có khu nhà trọ xây cách đây gần 6 năm với 6 phòng nằm trên mảnh đất 300m2 để cho bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh lưu trú miễn phí. Ở đó bệnh nhân có thể trồng rau thêm thắt đỡ chi phí bữa ăn. Chị Dương còn tìm những công việc như thêu, đan, để các bệnh nhân tranh thủ thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập. Không những thế, chị còn giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi ủng hộ và quyên góp cho nhiều chương trình từ thiện giúp đỡ học sinh vùng khó khăn.

Với những gì đã đạt được, chị Dương tin tưởng rằng thực phẩm tử tế, kinh doanh tử tế là con đường thành công sẽ ngày càng rộng mở và bền vững.

“Ngành thực phẩm vô cùng khốc liệt. Các sản phẩm từ bán online, đến ngoài chợ, hay trong các chuỗi, siêu thị… hình thức giống nhau nhưng chất lượng chưa chắc đã giống nhau. Vì thế để trụ vững trong ngành này cái tâm tốt thôi chưa đủ mà cần có “độ lỳ” để kỹ lưỡng trong lựa chọn sản phẩm, để đón đợi niềm tin, sự thông thái từ phía khách hàng”.

                                                                                         Doanh nhân Phạm Thị Thùy Dương

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận