EVN phát động thi đua liên kết thi công xây dựng công trình truyền tải điện 500 kV

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự Lễ phát động thi đua liên kết thi công xây dựng công trình truyền tải điện 500 kV (mạch 3)

 

Ngày 13/9, tại Quảng Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã tổ chức Lễ phát động thi đua liên kết các dự án Đường dây (ĐZ) 500 kV: Nhiệt điện (NĐ) Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối (SPP) 500 kV Trung tâm điện lực (TTĐL) Quảng Trạch; Quảng Trạch - Dốc Sỏi; Dốc Sỏi - Pleiku 2 với mục đích đưa công trình vào vận hành với tiến độ sớm nhất có thể, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình để đáp ứng yêu cầu cấp bách về truyền tải điện từ các Trung tâm nhiệt điện khu vực miền Trung lên lưới điện Quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn tới.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và các địa phương không được chủ quan với những kết quả đạt được, đồng thời nhận định vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ở một số hạng mục có thể ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị tiếp tục cố gắng nỗ lực, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. Đồng thời, Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai và TP Đà Nẵng, tích cực tạo điều kiện và hỗ trợ cho Chủ đầu tư, phấn đấu hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 30/11/2019. Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ ngành liên quan hỗ trợ tối đa đối với Chủ đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cố gắng nỗ lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các địa phương, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn, thi công xây lắp triển khai dự án theo đúng các cam kết trong Hợp đồng đã ký, phấn đấu đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng phục vụ sản xuất và truyền tải điện cho hệ thống điện Quốc gia và miền Nam trong giai đoạn tới.

Sau khi kết thúc Lễ phát động thi đua liên kết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình và các địa phương về công tác bồi thường GPMB dự án đường dây 500 kV mạch 3 và các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch. Cũng nhân dịp này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trao tặng số tiền 1 tỷ đồng ủng hộ nhân dân tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới sau bão đã gây lũ lụt trên diện rộng.

 

- Các dự án ĐZ 500 kV NĐ Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV TTĐL Quảng Trạch; ĐZ 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và ĐZ 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) thay mặt EVNNPT quản lý dự án. Đây là các công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với mục tiêu truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên Hệ thống điện Quốc gia; đồng thời tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia.

- Quy mô tổng thể của 3 dự án bao gồm: Xây dựng mới gần 742 km đường dây 500 kV mạch kép đi qua 9 tỉnh/ thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai); Xây dựng mới 08 ngăn lộ 500 kV tại sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Mở rộng một số ngăn lộ 500 kV tại các trạm biến áp 500 kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2; Xây dựng mới 03 trạm lặp quang và 03 nhà quản lý vận hành đội truyền tải điện.

- Tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án là hơn 11949 tỷ đồng, khởi công ngày 18/12/2018, dự kiến thời gian thi công của tất cả các dự án nêu trên là khoảng 20 tháng và phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành vào khoảng giữa năm 2020. Do tầm quan trọng của các đường dây, đồng thời với yêu cầu cấp bách về tiến độ công trình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết các khó khăn vướng mắc bằng cơ chế đặc thù về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để khởi công công trình và đưa vào vận hành nhằm đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam thời gian tới.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận