Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế

Hàng trăm ý kiến của doanh nghiệp được Chính phủ và các bộ ngành, hiệp hội ghi nhận, đã có giải pháp được đưa ra ngay tại hội nghị, cả về trước mắt và lâu dài.

 

Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, có chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.

Hội nghị có 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố; gần 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước theo dõi hội nghị trực tuyến trên sóng VTV1 và nghe trực tiếp qua làn sóng VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế…

Thủ tướng cho biết, trước khó khăn của đại dịch, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. "Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm. Tôi cũng đã từng nói, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra", Thủ tướng nêu rõ.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ có 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Thủ tướng: Yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ

Thủ tướng nêu mong muốn: "Hội nghị này phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén lại giờ bật lên để phát triển. Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam còn nhiều nút thắt. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành. Chính phủ không thể trực tiếp giúp kinh nghiệm tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận". 

Với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 6 đề nghị: "Một là yêu Tổ quốc, vì làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ. Nhân đây tôi gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Trong khó khăn ấy, nhiều tấm gương nhân ái chia sẻ thật là vĩ đại. Doanh nghiệp lớn giúp nhiều, doanh nghiệp nhỏ giúp ích, nhiều hộ cá thể sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo trong lúc dịch bệnh. Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau. Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh của chúng ta dù cũng có những khó khăn và thách thức, do đó đừng cầu không có khó khăn, đừng mong dễ dàng vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta. Thứ tư là năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của doanh nghiệp là tự mình đánh mất cơ hội. Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau. Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình. 

Đánh giá cao nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện nhiều Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cam kết đồng hành cùng DN nhanh chóng đưa ra các giải pháp thiết thực, kịp thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh tăng phát triển nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, “Tính đến ngày 8/5, NHNN đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng”. Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian tới, NHNN tiếp tục đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, không để xảy ra bất ổn vĩ mô. NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

Đề xuất 10 giải pháp, chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới tiếp tục sẽ trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

“Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC nhằm đánh giá tình hình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.

Khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất 5 giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các Bộ, ngành và các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN để rà soát đánh giá thực trạng, cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ và các chính sách, cơ chế của Chính phủ để đánh giá mức độ, yêu cầu và hiệu quả của điều hành Chính phủ trong thời gian tới.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho DN theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho DN trong cơ hội tiếp cận thị trường cũng như hoạt động đầu tư sản xuất.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, coi đây là nền tảng quan trọng để tạo thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế năm 2020 thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại; tạo động lực kích cầu đồng thời đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn.

Thứ tư, Bộ Công Thương xây dựng các Đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi Covid-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới. Trong đó tập trung vào việc mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; gắn kết với chuỗi cung ứng thị trường ngoài nước; các hoạt động phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong các vụ kiện tranh chấp cũng như phát triển bền vững tại thị trường này.

Thứ năm, tập trung khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do với EU, CPTPP, RCEP,…bằng việc hoàn thiện các khung khổ hợp tác để xây dựng các chuỗi cung ứng mới thông qua các hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư, liên kết đầu tư với các đối tác lớn trong hàng loạt các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo ra vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng này.

Phát biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung miễn giảm một số sắc thuế mà doanh nghiệp phải nộp, phải trả trong vòng 12 tháng, xóa bỏ những quy định chồng chéo, không hợp lý, bảo đảm minh bạch và nhất quán trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, trong giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, Chủ tịch VCCI đề nghị tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà cản trở để đẩy mạnh đầu tư công, sử dụng hết được khoản đầu tư này để có thể tạo ra thị trường, để có thể tạo việc làm, tạo nền tảng và điểm kích hoạt cộng hưởng đầu tư tư nhân với đầu tư FDI và đầu tư đối tác công tư.

"Tôi tin rằng nếu làm được điều này thì không có lý gì chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay như quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chủ trương và quyết tâm này của Chính phủ", ông Lộc khẳng định.

Còn ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất tăng cường nguồn vốn cho các quỹ bảo lãnh tính dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, hiện có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng rải rác trên toàn quốc với tổng nguồn vốn có 1450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

"Đề nghị Chính phủ nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người trong các quỹ trên, giảm bớt các thủ tục bảo lãnh cho vay, đồng thời cũng chia sẻ với ngành Ngân hàng Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chúng ta nên mở rộng kinh tế ban đêm cần nhanh chóng và khai thác nền kinh tế ban đêm ngay trên toàn quốc", ông Thân nêu ý kiến.

Trước quan tâm của doanh nghiệp về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: "Quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an là các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, quán triệt tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc là không có khái niệm về hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, tạo điều kiện thuận lợi tối đa về an ninh, an toàn để các doanh nghiệp phát triển cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, Bộ Công an cũng sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp lợi dụng những ưu đãi của các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để trục lợi, vi phạm pháp luật; đồng thời cũng xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ công an, nếu có những hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp chỉ ra những điểm các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện như tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách, nhất là tiền tệ, tài khoá, nhất là giảm lãi suất, giảm nhóm vay, giảm chi phí chia sẻ cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam.

Nhắc lại câu nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “khó gấp khăn hai, chúng ta phải cố gắng gấp ba”, Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng đoàn kết, quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ năm nay và các năm tiếp theo./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận