Những cánh cửa đóng chặt

Cú 'hồi mã thương' của Covid-19 sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nền kinh tế mới bắt đầu 'nhúc nhắc' hoạt động cầm chừng thực sự đã làm cho doanh nghiệp, người kinh doanh liêu xiêu

          Trưa cuối tuần, dù thời tiết đổi sang dịu mát sau chuỗi ngày dài nóng bức, nhưng khu phố cổ - một trong những điểm kinh doanh sầm uất nhất của Thủ đô - vắng lặng như sáng mùng một Tết. Nhiều cửa hàng đóng im ỉm. Chỉ khác với Tết, trên các cánh cửa đóng chặt có tấm bảng ghi dòng chữ: “Cho thuê cửa hàng…”

          Trên các con phố kinh doanh khác ở Hà Nội, tình cảnh cũng diễn ra tương tự. Những cửa hàng còn đang tiếp tục hoạt động thì đã sẵn sàng các phương án dự phòng như giảm giá, khuyến mãi, bán online… Chuyện này chắc không chỉ xảy ra ở Hà Nội. Cú “hồi mã thương” của Covid-19 sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nền kinh tế mới bắt đầu “nhúc nhắc” hoạt động cầm chừng thực sự đã làm cho doanh nghiệp, người kinh doanh liêu xiêu.

          Trên trang cá nhân của mình, một doanh nhân đã phải thốt lên đầy ngao ngán: “Mới khởi động lại thị trường thì xuất hiện chủng virus Covid mới, giờ doanh nghiệp phải làm sao đây?”. Đồng cảm với vị doanh nhân này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du chia sẻ: “Những lúc như thế này, giới kinh doanh luôn lo ngay ngáy bởi họ là người tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước”.

          Trong lúc này, chỉ có những người đầu cơ khẩu trang coi sự tái xuất của Covid như một cơ hội làm ăn khi đẩy giá khẩu trang từ 1,2 triệu đồng/thùng lên 2 triệu, 3 triệu, 4 triệu rồi xấp xỉ 5 triệu đồng/thùng. Thế nhưng, ngay cả cơ hội này cũng không “ngon ăn” như giới đầu cơ vẫn tưởng, bởi trên thực tế, nhu cầu mua khẩu trang không cao do người tiêu dùng vẫn đang có sự phòng bị khi Việt Nam và thế giới chưa công bố hết dịch. Và trên thực tế, giá khẩu trang đã giảm một nửa chỉ sau một tuần.

          Lâu nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn có tinh thần thép, không lùi bước trước khó khăn. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu này cũng cần có những yếu tố cần và đủ. Trước hết, công tác phòng chống dịch phải thực sự quyết liệt, đặc biệt phải ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, nhất là ở các địa phương kinh tế phát triển, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

          Chính phủ đã quyết tâm phòng chống dịch thật tốt để không phải giãn cách xã hội lần thứ hai, nhằm đảm bảo cho nền kinh tế có thể hoạt động ổn định trong trạng thái bình thường mới - vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Mặc dù vậy vẫn cần có quy trình kiểm soát các ngành nghề kinh doanh theo thứ tự nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu cần thiết thì đóng cửa - có kèm theo hỗ trợ để chống phá sản - đối với các vũ trường, nhà hát, rạp chiếu phim. Đối với những ngành nghề khác vẫn duy trì hoạt động nhưng phải có tiêu chuẩn với người mua, người bán như đeo khẩu trang, ngồi đúng khoảng cách.

           Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian hoãn, giảm, giãn các khoảng thuế, phí cho doanh nghiệp với thủ tục hành chính giản tiện, dễ tiếp cận, đồng thời tham vấn ý kiến các doanh nghiệp về biện pháp duy trì sản xuất kinh doanh trong thời điểm khó khăn này. Quan trọng nhất vẫn là chấm dứt tình trạng liên tục thanh tra, kiểm tra gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ thực hiện việc này khi doanh nghiệp có yếu tố vi phạm pháp luật./.

Bình luận

    Chưa có bình luận