Hà Nội với chiến dịch 'bóc sạch' F0 ra khỏi cộng đồng

Hà Nội đang tận dụng 'thời gian vàng' để xét nghiệm diện rộng nhằm phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.  Làm sao không để tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu?

 

 Xét nghiệm cho người dân địa bàn Văn Chương (Đống Đa) ngày 18/8.

Xét nghiệm nơi có nguy cơ cao

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá, tình hình dịch Covid-19 tại thành phố đang diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm, nhiều chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây. Chiến dịch xét nghiệm lần này nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh trong các khu vực nguy cơ cao, các nhóm nguy cơ cao, dễ mắc bệnh và lây lan.

Từ ngày 10 - 17/8, Hà Nội lấy khoảng 300.000 mẫu test Covid-19 nguy cơ cao tại 30 quận, huyện, thị xã để “bóc sạch” F0 khỏi cộng đồng. Trong đó, 186.000 mẫu tại khu vực nguy cơ, 11.400 mẫu là đối tượng nguy cơ. Cụ thể, quận Đống Đa tiến hành lấy 55.000 mẫu tại các phường Văn Chương, Văn Miếu, Phương Mai, Hàng Bột, Thổ Quan, Quốc Tử Giám, Khâm Thiên. Quận Hoàng Mai lấy 55.000 mẫu tại các phường Thịnh Liệt, Tương Mai, Vĩnh Hưng, Tân Mai, Mai Động, Lĩnh Nam. Quận Hoàn Kiếm lấy 25.000 mẫu… Còn tính từ ngày 9 - 15/8, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã lấy được 313.010 mẫu để xét nghiệm, phát hiện 29 ca dương tính với Covid-19.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa, dự kiến ban đầu, quận sẽ tổ chức lấy 55.000 mẫu xét nghiệm, nhưng để đảm bảo cho việc “bóc vét” được kỹ lưỡng thì sẽ lấy mẫu nhiều hơn dự kiến. Tính đến ngày14/8 trên địa bàn quận đã lấy được 46.000 mẫu xét nghiệm. Dự kiến trong 2 ngày 18 và 19/8, quận Đống Đa sẽ lấy khoảng 14.000 mẫu ở Văn Chương, vì muốn “vét” lại Văn Chương một lần nữa. Sau đó ngày 20, 21/8 sẽ sang Văn Miếu, lấy hết mẫu ở những dải được coi là “vùng đỏ”, hiện chợ Ngô Sỹ Liên cũng là điểm nguy cơ cao. “Chiến dịch lần này rất có ý nghĩa trong việc phòng chống dịch, thay vì truy vết F1 như trước thì ta sẽ chủ động tìm F0 và chỉ trong vài ngày đầu xét nghiệm đã phát hiện một số F0 trên địa bàn...”, ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ. Còn ông Đoàn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cho hay, quận tiến hành lấy 25.000 mẫu xét nghiệm cho người dân ở khu vực có nguy cơ cao, tập trung trọng điểm 5 phường chính bao gồm: Chương Dương, Phúc Tân, Hàng Buồm, Đồng Xuân, Hàng Gai.

Trao đổi với báo chí ngày 14/8, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, muốn xác định được người nhiễm bệnh, xác định được ổ dịch thì chỉ có xét nghiệm. Đây là bước quan trọng để thực hiện chiến lược xuyên suốt theo 5 nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch”. Vài ngày đầu thực hiện chiến dịch xét nghiệm và lấy được hơn 200.000 mẫu, đã phát hiện 17 mẫu dương tính với Covid-19. Theo ông Đinh Tiến Dũng, dù là chiến dịch xét nghiệm diện rộng nhưng thành phố thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm thực chất, hiệu quả, an toàn. Trên cơ sở đánh giá nguy cơ của ngành y tế, các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức lấy mẫu và chia theo 3 khu vực: Khu vực đỏ (vùng có dịch, nguy cơ cao nhất), khu vực da cam (nguy cơ cao) và khu vực vàng (nguy cơ). Việc lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình sẽ được thực hiện tại các quận, huyện có nguy cơ cao theo chỉ định về mặt dịch tễ của ngành y tế. Thành phố tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR tại các khu có nguy cơ cao và khoảng 2 triệu test nhanh tại các quận, huyện.

Tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết: “CDC Hà Nội đã có chỉ đạo tới tất cả đơn vị, nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc”. Ông Tuấn cũng chia sẻ, khi thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn. Trong tình huống này, rất muốn người dân giám sát, nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình. Với người dân, theo ông Đoàn Văn Việt, để bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế và người dân trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm được các phường tổ chức bài bản, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Tại huyện Thanh Trì, hai thôn Thọ Am, Nội Am, xã Liên Ninh đang bị phong toả do phát hiện nhiều trường hợp bị mắc Covid-19. Ông Tạ Duy Đông, Chủ tịch UBND xã Liên Ninh cho biết, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân thôn Thọ Am và Nội Am. Riêng thôn Thọ Am có nhiều trường hợp mắc Covid-19, đến nay ngành y tế đã lấy mẫu 4 lần. Quá trình lấy mẫu, chính quyền địa phương, ngành y tế bảo đảm tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế để việc lấy mẫu an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Trong buổi kiểm tra thực địa công tác phòng, chống dịch ở quận Đống Đa mới đây, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu cả 2 “mặt trận” tiêm vaccine và xét nghiệm diện rộng đều phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ông Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu Sở Y tế cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện xét nghiệm với phương châm: “Chính xác nhất, nhanh nhất”. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, bảo đảm an toàn phòng dịch.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hà Nội quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được những mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm “vùng đỏ”, bảo đảm an toàn, giữ vững “vùng xanh” hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh./.

 
BOX: “Để bảo đảm không xảy ra việc lây nhiễm chéo, phát sinh ổ dịch mới,  trong quá trình lấy mẫu, các cán bộ y tế và người dân phải tuân thủ tốt quy trình, phòng chống nhiễm khuẩn. Các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cần lên kế hoạch chi tiết từ khâu xác định đối tượng, chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị y tế, điểm xét nghiệm cho đến bước trả kết quả. Việc lấy mẫu nên gọi từng người/nhóm, hạn chế tiếp xúc. Cũng theo ông Phu, ngành y tế có thể bố trí lực lượng làm thêm giờ, lấy mẫu xét nghiệm vào buổi tối, mỗi điểm xét nghiệm nên bố trí nhiều bàn lấy mẫu và cần không gian đủ lớn để đảm bảo khoảng cách…”. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
 

Bình luận

    Chưa có bình luận