Huy động mọi nguồn lực chống dịch Covid-19

Trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

 

Trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

Ngày 24/8/2021, lãnh đạo chủ chốt họp để nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các tỉnh phía Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu kết luận, phân công một số nhiệm vụ quan trọng.

Theo đó, phân công đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; Khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vaccine, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., sớm thực hiện tiêm vaccine diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh…

Bộ đội được huy động tham gia chống dịch Covid-19.

Xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng cho tất cả người dân

Trước đó, ngày 22/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1099/CĐ-TTg chỉ đạo về việc tăng cường giãn cách xã hội và thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng TP.HCM xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.

Ưu tiên cao nhất phân bổ vaccine cho TP.HCM và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vaccine miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch.

TP.HCM tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nhà cho người dân.

Lưu ý: Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, hơn 5 triệu người đã được tiêm vaccine. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định. Thành phố đang tiếp tục tìm nguồn cung ứng vaccine, phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho người dân. Mục tiêu phấn đấu đến ngày 15/9, hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm vaccine mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2. Cụ thể, đến 31/8 sẽ hoàn thành tiêm hơn 3 triệu liều vaccine để đảm bảo hơn 70% người dân được tiêm mũi 1, hoàn thành mũi 2 cho khoảng 1 triệu người. Từ ngày 1/9 đến 15/9, TP.HCM tổ chức tiêm vaccine cho những người còn lại và tiêm nhắc mũi 2 theo quy định (400.000 người); có thể mở rộng tiêm cho người từ 12 - 18 tuổi nếu có nguồn vaccine cho phép tiêm trong độ tuổi này.

Để hoàn thành mục tiêu trên, TP.HCM triển khai đa dạng, linh hoạt, an toàn các hình thức xét nghiệm, tiêm vaccine như tổ chức các tổ tiêm vaccine lưu động đến từng phường, xã, tổ dân phố… từ ngày 23/8 bắt đầu đưa đội tiêm vaccine lưu động đến tiêm tại nhà cho người dân; tăng cường điều phối cung ứng vaccine và lực lượng đội tiêm cho các quận, huyện có tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp. Đảm bảo những người thuộc nhóm đối tượng cần thận trọng tiêm chủng (người mắc bệnh nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai trên 13 tuần...) được tiếp cận tiêm vaccine đầy đủ.

Cả nước cùng TP.HCM chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM, Chính phủ tiếp tục kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung sức, ủng hộ nhân lực, vật lực cho TP.HCM chống dịch. Hàng chục nghìn nhân viên y tế, bộ đội, công an, sinh viên, giáo viên từ nhiều địa phương trên cả nước đã đến hỗ trợ TP.HCM từ công tác chuyên môn y tế phòng chống dịch cho đến đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian giãn cách bằng những việc làm thiết thực, ấm áp tình người.Theo thống kê đến ngày 21/8, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM được hỗ trợ bao gồm: 13.200 người thực hiện công việc trực tiếp; 14.000 người tham gia quản lý, điều hành, điều phối trực tiếp hoạt động phòng, chống dịch; tham gia các tổ phòng, chống dịch tại địa phương; 19.000 người không thuộc chuyên môn y tế thực hiện công việc gián tiếp tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và cơ sở cách ly tập trung; 68.400 người là thành viên tổ Covid-19 cộng đồng; 8.300 tình nguyện viên được Thành phố huy động và 10.000 tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, chi viện cho TP.HCM.

Ghi nhận trên nhiều tuyến phố tại TP.HCM những ngày qua, lực lượng quân đội đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trao thực phẩm cho người dân, giúp dân yên tâm chống dịch. Cầm trên tay bịch lương thực, bà Nguyễn Thị Thanh, trú tại phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức không giấu được xúc động: “Gia đình tôi và những hộ dân thuê trọ ở đây rất biết ơn sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, dù phải cách ly, phong tỏa nhưng có được sự quan tâm thế này, người dân chúng tôi an tâm và tin tưởng vào những quyết định của thành phố để phòng dịch bệnh. Nhiều địa phương của TP.HCM triển khai việc các nhóm để đăng ký đi chợ thay cho người dân”.

Bên cạnh việc hỗ trợ người dân, kiểm soát chặt bảo đảm quy định giãn cách, lực lượng quân nhân là các y, bác sĩ cũng được tăng cường xuống cơ sở để khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Trong ngày 23/8, thêm 1.100 bác sĩ, điều dưỡng, học viên Học viện Quân y hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch Covid-19. Các bác sĩ, điều dưỡng, học viên đã được đưa xuống địa bàn 23 quận huyện và TP. Thủ Đức. Họ sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở địa phương.

Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Ngô Minh Tiến cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ huy động khoảng 35 nghìn dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia phòng chống dịch. Đồng thời hơn 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế; 30 xe cứu thương của quân đội ở phía Bắc cũng sẽ được điều động vào TP.HCM tham gia xét nghiệm, chữa trị cho bệnh nhân Covid-19./.

Tính đến nay, tổng số liều vaccine TP.HCM nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế là 4,4 triệu liều, trong đó có hơn 3,6 triệu liều vaccine AstraZeneca, 19.000 liều Vero Cell, 54.990 liều vaccine Pfizer và 571.200 liều vaccine Moderna. Ngoài ra, TP.HCM cũng nhận được nguồn tài trợ 2 triệu liều vaccine Vero Cell. Trong đó, 1 triệu liều đã được kiểm định và triển khai tiêm cho người dân những ngày qua, 1 triệu liều còn lại đang chờ Bộ Y tế thẩm định chất lượng.
 

Bình luận

    Chưa có bình luận