Giấy đi đường mang tên app công nghệ

Chỉ trong 4 đợt giãn cách, thành phố Hà Nội đã thay đổi 5 lần phương thức cấp, duyệt, kiểm tra giấy đi đường

 

Từ những liệu pháp mạnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, áp dụng biện pháp 5K, đẩy mạnh xét nghiệm để bóc tách F0, tình hình dịch Covid-19 sau đợt lên đỉnh nay đã có xu hướng được ngăn chặn tại các điểm nóng, như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương..., một số tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dịch bệnh không phải ngày một ngày hai là có thể đẩy lùi, mà sẽ lây nhây theo kiểu dập dịch được chỗ này thì lại bùng phát ở chỗ kia. Sau nhiều ngày dồn nén vì giãn cách, nhu cầu ra đường để mưu sinh, tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp là cấp thiết; nếu tiếp tục áp dụng khoanh vùng, giãn cách diện rộng sẽ khiến nền kinh tế ngạt thở hơn.

Tại buổi chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Từ hôm nay trở đi, tôi đề nghị anh Hùng (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng) công bố và hướng dẫn công nghệ, thống nhất một app lấy tên là PC Covid (Phòng chống Covid-19) để nhân dân chỉ vào một app”.

Khai báo qua app sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Chỉ đạo của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh đang có nhiều app khai báo, dẫn tới loạn app, nhiều người dân muốn khai báo nhưng không biết phải khai báo app nào, gây bất tiện cho người dân, vì thế hiệu quả tham gia chống dịch lại chưa được như kỳ vọng. Còn trong thực tế, có địa phương như Hà Nội vẫn loay hoay trong việc kiểm soát người ra đường bằng biện pháp thủ công - giấy đi đường. Chỉ trong 4 đợt giãn cách, thành phố Hà Nội đã thay đổi 5 lần phương thức cấp, duyệt, kiểm tra giấy đi đường. Việc thay đổi này đã khiến người dân và doanh nghiệp lúng túng, bức xúc, mất rất nhiều thời gian khi  thực hiện những quy định này.

Bởi thế, chỉ đạo của Thủ tướng cần có một app công nghệ thống nhất, tiện lợi, hiệu quả là phù hợp với mong muốn của người dân, doanh nghiệp, giúp họ trút bỏ được mối lo: Làm sao để biết mình đủ điều kiện ra đường mưu sinh, tái khởi động sản xuất kinh doanh?. Thay vì ra đường phải có giấy đi đường, muốn có giấy đi đường thì phải lên phường…, người dân, doanh nghiệp chỉ cần ngồi ở nhà khai báo lộ trình, điểm đi, điểm đến và được cấp giấy đi đường là mã QR Code.

Khi qua các chốt kiểm soát, thay vì phải trình những tờ giấy đi đường đang được cấp phép thủ công, tiếp xúc trực tiếp với cán bộ kiểm soát với nhiều rủi ro lây nhiễm bệnh thì người dân chỉ cần đưa mã QR Code để công nghệ kiểm soát tự động bằng camera sẽ quét mã và hiện lên các thông tin cơ bản: Họ và tên, ảnh, địa chỉ cư trú, đã được tiêm mấy mũi vaccine, đối tượng thuộc vùng xanh hay vùng đỏ, đối tượng có được phép ra đường.

Về góc độ quản lý, việc kiểm soát người ra đường, điểm đi, điểm đến với các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng hơn, nhanh hơn khi người dân chỉ cần quẹt thẻ thì barie sẽ tự động mở. Quan trọng hơn, việc không phải tiếp xúc gần sẽ giảm thiểu rủi ro nhiễm Covid-19 cho cán bộ thực thi công vụ. Rồi cũng thông qua phần mềm này và hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia, nhà quản lý cung cấp thông tin phát hiện F0 theo khu vực, ở địa chỉ cụ thể để thông báo những người đã tiếp xúc gần tự giãn cách, khai báo với cơ quan y tế, theo dõi sức khỏe của mình; cảnh báo cho người sử dụng app biết các vùng có nguy cơ lây nhiễm.

Chính phủ, Bộ TTTT đã rất nhiều lần nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tiện lợi, hiệu quả mà app công nghệ đem lại với vai trò là một trong những công cụ kiểm soát, chống dịch là điều đã thấy rõ. Nhiệm vụ rất cụ thể, nội dung công việc đã rõ, để người dân, doanh nghiệp sớm có “giấy đi đường”, giờ là lúc Bộ TTTT, giới công nghệ thông tin sớm cho ra đời app công nghệ thật sự thông minh, đồng bộ, tiện lợi, là công cụ hiệu quả góp phần vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận