Bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ

Coi việc bảo vệ môi trường như hơi thở cuộc sống, nhiều bạn trẻ đã có ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ hằng ngày.

Từ bỏ thói quen gây hại môi trường

Từ 2 năm nay, Lê Lan (sinh viên trường Đại học Lao động - Xã hội) thường mang cốc thủy tinh đi mua cà phê hay trà sữa. Cô cũng hạn chế dùng ống hút, nếu cần thì dùng ống hút tre luôn mang sẵn trong túi. Mỗi khi đi siêu thị hay đi chợ, cô thường mang túi vải hoặc túi cói, hạn chế tối đa việc dùng túi nilon. “Lần đầu mang cốc đi mua cà phê, tôi thấy hơi ngại với người bán hàng vì sợ họ đánh giá nọ kia, nhưng thấy họ khá thoải mái khiến tôi tự tin hơn với việc mình làm. Thời gian gần đây vào quán cà phê hay trà sữa, tôi gặp không ít người hành động giống mình nên cũng cảm thấy vui vui. Trong khi chúng ta chưa thực hiện phân loại rác thải, tại sao mỗi người không tìm cách giảm lượng rác thải ra môi trường. Tôi mong những người bán hàng ở chợ cũng có ý thức giảm thiểu túi nilon, hãy dùng lá tươi hoặc lá khô để đựng đồ bán cho khách”.

Bạn Lê Thùy ở quận 1, TP.HCM chia sẻ, một tuần ở Hội An tham gia khóa học đại học không giảng đường, Thùy cùng 30 bạn khác ở Yên Homestay & vegan macrobiotic. Nơi Thùy ở cây cối xanh tươi, sáng sáng có thể ra sân nhặt khế hoặc quả trứng gà chín rụng ở sân để ăn, chiều tối lại sà xuống tắm mát ở dòng sông Thu Bồn. 1 tuần ở đó, Thùy và các bạn thực sự được sống hòa mình với thiên nhiên.

Trong khóa học, Thùy cùng các bạn có hoạt động nhặt rác ở dòng sông Thu Bồn. Con sông Thu Bồn mọi khi Thùy tắm nước trong xanh là thế, nhưng xuống hạ nguồn Thùy thấy khá nhiều rác là túi nilon, lon nhựa, ống hút nhựa, vải cũ. Chúng bám chặt, quyện lấy đất và biến đất thành màu đen hôi thối. Thùy và các bạn nhặt rác chất đầy một thuyền lớn. Thùy hỏi người dân là rác thải này được xử lý thế nào?  Họ trả lời, rác này không thể đem tái chế được nữa, nên chỉ có cách đem đốt hoặc đem chôn. Rác đốt làm ô nhiễm bầu không khí nên thường được đem chôn, có vẻ đỡ ô nhiễm hơn.

Nghe họ nói, Thùy nhận ra trước giờ mình đã sống quá thờ ơ. “Tôi cứ nghĩ rằng mình chỉ cần vứt rác đúng nơi quy định là được mà chẳng quan tâm rác sẽ được xử lý thế nào. Tôi thích dùng đồ dùng một lần vì thấy tiện lợi mà không quan tâm nó sẽ gây hại tới đâu. Tôi nghĩ đến ngày khi mình bị stress, muốn tạm xa nơi ồn ào khói bụi của thành phố để tìm đến một chốn thanh bình ở một làng quê, nhưng nơi đó không còn bầu không khí trong lành, mọi con sông cũng trở nên ô nhiễm… mà thấy sợ. Thế là tôi quyết định thay đổi. Giờ đây trong túi của tôi lúc nào cũng có bình đựng nước, ống hút, túi vải đựng đồ. Rác thải trong nhà, tôi gom giấy vụn, đồ nhựa bán cho đồng nát để họ tái chế. Những đồ điện tử tôi tìm đến chỗ thu gom để thải bỏ. Không chỉ bản thân thực hiện mà tôi còn tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình, hàng xóm và bạn bè thực hiện theo” - Thùy chia sẻ

Những cửa hàng bán đồ thân thiện với môi trường

Đáp ứng nhu cầu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nilon, những cửa hàng zero waste (không rác thải, không tạo ra rác không có khả năng tái chế) ra đời như: Go Eco Hanoi, xanhshop.com, Tạp hóa Lá Xanh, Tiệm tạp hóa Gói Ghém, Cửa hàng 3T…

Go Eco Hanoi là nơi các bạn trẻ có thể đến mua những cốc thủy tinh xinh xắn có nắp đậy để đi mua đồ uốn,g hay ống thủy tinh, túi vải túi cói, bát đĩa bằng tre, kem đánh răng bằng than hoạt tính, bàn chải che, nước bồ hòn để rửa chén, giặt quần áo…

Còn cừa hàng xanhshop.com thì bán sản phẩm thiên nhiên và nông sản sạch. Để không thải rác khó phân hủy ra môi trường, Xanhshop.com thực hiện gói rau bằng lá chuối, túi giấy; tái sử dụng những vật dụng có thể sử dụng…

Cả Go Eco Hanoi và xanhshop.com đều kêu gọi khách hàng mang túi vải, chai lọ đến dựng đồ nhằm giảm lượng bao bì thải ra môi trường; kêu gọi khách hàng ủng hộ hũ, lọ thủy tinh không dùng tới để tái sử dụng.

Chị Nguyễn Hoàng Thảo, chủ cửa hàng Go Eco Hanoi, chia sẻ, Go Eco Hanoi ra đời với mục đích cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường và zero waste, giúp mọi người có thể sống xanh hơn một cách tiện lợi. Lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm này sẽ được dùng vào các hoạt động bảo vệ môi trường khác. Ví dụ cửa hàng đã tổ chức những event dạy cách làm vải sáp ong, thay thế cho màng bọc thực phẩm plastic độc hại hoàn toàn miễn phí.

Còn cửa hàng 3T (tái chế, tái sử dụng, tiết giảm) thì cung cấp cho người tiêu dùng ống hút bằng tre, cỏ bàng và các sản phẩm thủ công từ vật liệu tái chế hay vật liệu tự nhiên. Anh Trần Minh Tiến, chủ cửa hàng cho biết, trong 9 tháng năm 2018, anh cung cấp cho thị trường 500.000 ống hút từ tre và cỏ bàng. Nhu cầu mua loại ống hút này vẫn không ngừng tăng và hiện sản phẩm của anh không đủ cung cấp cho thị trường, điều đó chứng tỏ người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

“Mua ống hút nhựa dùng một lần rất rẻ, vì thế người dùng không tiếc tiền thải ra môi trường vô tội vạ. Còn mua ống hút bằng tre và cỏ bàng của chúng tôi đắt hơn gấp nhiều lần. Khi khách hàng chứng kiến những công đoạn làm ra một sản phẩm thủ công, họ thấy sự kỳ công, vì thế họ trân quý sản phẩm. Chỉ là ống hút tre thôi mà có không ít khách hàng đã mua và sử dụng 2 năm qua vẫn chưa bỏ đi. Kéo dài vòng đời của mỗi sản phẩm, chúng ta vừa tiết kiệm được tài nguyên vừa không gây hại môi trường. Rác thải là một vấn đề gây ra do sự tiêu dùng thiếu trách nhiệm và có thể được giải quyết bằng cách thay đổi hành vi tiêu dùng” - anh Tiến chia sẻ.

Hiện, người dân Thủ đô có thể mua ống hút bằng tre, cỏ bàng và những sản phẩm thủ công của cửa hàng 3T được bán sỉ và bán lẻ tại Sạp hàng chàng Sen (Tây Hồ, Hà Nội).

“Khi chúng ta còn nói "Bảo vệ môi trường" với tâm thế anh hùng đi cứu thế giới thì sẽ khó thấy đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Mỗi người hãy cứ để việc làm bảo vệ môi trường tự nhiên như hơi thở, bởi hành động đó là vì chính bản thân chúng ta” - anh Đặng Ân, chủ Sạp hàng chàng Sen.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận