Dấu hiệu để nhận biết thịt mắc dịch tả lợn châu Phi

Dưới đây là những dấu hiệu có thể giúp người tiêu dùng phân biệt thịt lợn sạch và thịt mắc bệnh nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng.

 

Những ngày qua, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các hộ chăn nuôi và người tiêu dùng. Bởi theo các chuyên gia, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên tới 100%.

Tại Việt Nam, đến thời điểm này đã có 7 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Các tỉnh bị dịch ASF xâm nhiễm gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương (tính theo thứ tự thời gian bị phát hiện có dịch).

Vi-rút dịch tả châu Phi gây xuất huyết ở thận con heo bị nhiễm bệnh (Ảnh: OIE)Mặc dù Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam) khẳng định, không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không lây truyền và gây bệnh cho người. Tuy nhiên dịch có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là: lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ C. Với con lợn da trắng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím, xuất huyết trên tai và bụng. Chúng run rẩy, thở bất thường, đôi khi ho, đứng không vững. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, lợn bị hôn mê, sau đó chết.

Những con lợn trong thời gian đầu mắc dịch trông khỏe mạnh không khác gì lợn thường và vẫn có thể được đưa đi tiêu thụ. Đặc điểm nhận dạng những con lợn chết này là có các vùng đỏ hoặc tím xanh ở các chi, bụng và ngực.

Người tiêu dùng nên mua lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.Khi Khi mổ lợn, những con lợn nhiễm dịch tả sẽ có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp (dù đã được mổ trước đó), thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.

Các chuyên gia lưu ý, để phân biệt được thịt lợn khỏe mạnh, người tiêu dùng có thể quan sát bằng mắt thường, thấy thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Lợn nhiễm bệnh sẽ có phần bì lấm chấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím.

Đối với những loại thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh, người dân tuyệt đối không nên mua.

Ngoài ra, có thể dùng tay để kiểm tra độ đàn hồi của thịt, nếu thịt bị ngón tay ấn vào không bị lõm, không bị dính, rỉ nước và chắc thì đó là thịt khỏe mạnh.

Các chuyên gia cũng khuyên cáo, người dân chỉ chọn thịt lợn được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi chế biến nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay lợn chưa được chế biến kỹ để tránh mắc bệnh.


Theo Đời sống Việt Nam

 

Bình luận

    Chưa có bình luận