Sóng Việt tạo sự khác biệt

Tâm niệm của Tổng biên tập Đặng Quang Thương là Sóng Việt cần tạo nên sự khác biệt trên mặt bằng chung báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ.

 

Khi bắt tay thực hiện Tạp chí Sóng Việt, tâm niệm của Tổng biên tập Đặng Quang Thương và đội ngũ thực hiện là Sóng Việt cần tạo nên sự khác biệt trên mặt bằng chung báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ. Điều gì sẽ tạo nên sự khác biệt cho Sóng Việt?

 

Sóng Việt là phải mới

Ngày 5/12/2018, Tạp chí Sóng Việt thuộc Báo Tiếng nói Việt Nam được cấp phép xuất bản. Đến ngày 23/1/2019, số đầu tiên của Sóng Việt ra mắt bạn đọc. Trong hơn 1 tháng đó - và cả thời gian chuẩn bị trước đó - các cuộc họp về Sóng Việt diễn ra thường xuyên.

““Đúng” luôn là tiêu chí bắt buộc “ngấm vào máu” của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, nên đối với những người làm Sóng Việt không cần phải đặt ra nữa. Lúc đó, để tạo nên ấn tượng ban đầu tốt nhất, chúng tôi tập trung vào mục tiêu: làm sao để mới, hay, lôi cuốn” - Tổng biên tập Đặng Quang Thương chia sẻ.

Để đạt được mục tiêu này, nhóm Sóng Việt liên tục họp bàn, đưa ra các ý tưởng để lựa chọn, phân công công việc. Là tạp chí kinh tế - chính trị, trang bìa số đầu tiên được chọn là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiếp ảnh gia James Dương đã thực hiện bộ ảnh độc quyền này cho Tạp chí Sóng Việt.

Có ảnh bìa đẹp, nhưng nội dung bên trong cũng phải sâu sắc và tạo được sự khác biệt. Góp mặt trên số Sóng Việt đầu tiên là các nhân vật trí thức nổi tiếng cùng những bài viết sắc sảo và khác biệt, không tìm thấy ở các phương tiện truyền thông khác trong và ngoài Đài Tiếng nói Việt Nam. Có thể kể đến Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội - với bài “Chính sách và đồng thuận”, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành với “Trung Quốc thâm hụt cán cân vãng  lai - những tín hiệu đáng chú ý”, Tiến sĩ Terry F. Buss - Giáo sư về Chính sách công và Quản lý, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ - với bài “Tổng thống Trump và những bước đi thay đổi trật tự thế giới trong 2 năm tại vị”; Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải - Đại học Công nghệ Queensland (Australia) với “Quan hệ Mỹ - Trung nhìn từ vụ bắt giám đốc tài chính Huawei”…

Cùng với đó là sự tham gia của những nhà báo kỳ cựu Đài Tiếng nói Việt Nam như nhà báo Nguyễn Hiếu với bài “Nhân cách làm người”, nhà báo Uông Ngọc Dậu với bài “Duyên kỳ ngộ, phúc trùng lai”, nhà báo Phạm Trung Tuyến với bài “Dòng chảy tiếp nối tri thức”, nhà báo Hồ Điệp với “Vành đai con đường vẫn còn nhiều hồ nghi”, nhà báo Nguyễn Quý Hoài với phóng sự ảnh “Ai nghe tiếng khóc của dòng sông”, nhà báo Thu Thùy với cuộc phỏng vấn Phó giáo sư - Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Đức Thành “Càng hội nhập, Việt Nam càng đối mặt với nhiều thách thức”…Các chuyên mục Đọc sách, Lối sống, Chuyển động văn hóa…cũng đã tạo được ấn tượng không nhỏ ngay từ lần đầu tiên lên trang.

Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ tặng Sóng Việt cho ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tính ủy Khánh Hòa

Sóng Việt là phải đẹp

Đây là yêu cầu khắt khe đối với nhóm họa sĩ, phóng viên ảnh Phạm Minh - Đồng Toàn - Đinh Quang Trung. Họa sĩ Phạm Minh - Phó trưởng phòng Phòng Thư ký tòa soạn - cho biết: “Thiết kế dàn trang cho Sóng Việt, mới trông có vẻ như khá đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm, tôi mới nhận ra đây quả là một thách thức rất khác biệt. Không giống với các tạp chí về thời trang hay du lịch - nơi có rất nhiều "đất" để họa sỹ có thể tự do sáng tạo mỹ thuật dựa trên nguồn ảnh phong phú và đa dạng - Sóng Việt là một dạng tạp chí chuyên sâu về địa chính trị, địa kinh tế với ưu tiên số một là việc đọc. Các bài viết cho Sóng Việt đều của các cây bút lớn trên thế giới và trong nước, dung lượng khá dài, với từng câu, từng chữ chắt lọc. Việc tạo ra một ấn phẩm cân bằng giữa tính thẩm mỹ, ấn tượng với sự đơn giản, dễ tiếp cận và dễ đọc quả không ít khó khăn. Bên cạnh đó, mỗi ấn phẩm đều có một chủ đề riêng biệt, nên việc lên ý tưởng cho trang bìa luôn cần rất nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu nội dung. Trang bìa 1 của mỗi số Sóng Việt đều là một thông điệp trực tiếp hoặc ẩn dụ xuyên suốt nội dung của cả số báo, tạo ấn tượng mạnh cho độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên.”.

Đối với phóng viên ảnh Đinh Quang Trung, những lần chụp chân dung nhân vật là một dịp thể hiện sức sáng tạo khi chụp ảnh trong không gian hẹp. Chẳng hạn như lần chụp ông Don Lambert - Trưởng ban phát triển khu vực tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), người đã đưa ra ý tưởng về một trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM. Không gian chụp ở Văn phòng ADB tại Hà Nội không có diện tích rộng nên lựa góc chụp bắt đúng thần thái cũng không đơn giản. “Ảnh chân dung là một trong các điểm nổi bật của tạp chí Sóng Việt. Từ chân dung tác giả bài viết cho tới chân dung nhân vật được phỏng vấn, tất cả đều phải được đầu tư kỹ lưỡng và tìm hiểu kỹ về nhân vật. Các bài viết trong Sóng Việt đều "tầm cỡ" về học thuật nên các bức ảnh chân dung cũng phải góp phần thể hiện được tầm vóc của bài viết thông qua hình ảnh tác giả và nhân vật” - Phóng viên Đinh Quang Trung chia sẻ.

Đối với họa sĩ Đồng Toàn, việc tham gia xây dựng, thiết kế infographic là một trải nghiệm khác biệt, bởi lâu nay trên tuần báo Tiếng nói Việt Nam không có phần này, trong khi đối với Sóng Việt, infographic lại được xác định là công cụ bổ trợ quan trọng để truyền đạt thông tin. “Trên infographic, nhờ vào sự sáng tạo trong thiết kế, mọi thông tin đều được sắp xếp theo một cách súc tích và rõ ràng, Infographic tăng thêm sự thuyết phục cho người đọc. Một trong những ấn tượng sâu sắc của tôi là khi được giao thiết kế infographic cho ấn phẩm Sóng Việt số kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là bước đột phá mới của Ban biên tập khi quyết định trình bày phần thời luận - phần quan trọng nhất của Sóng Việt - bằng hình thức infographic, nhưng cũng là thách thức với họa sĩ. Tôi và nhà báo Thu Thùy - đồng Thư ký tòa soạn, người phụ trách công việc này - đã phải dành rất nhiều thời gian tìm kiếm, chia sẻ tư liệu, trao đổi kỹ lưỡng để ra được ý tưởng và hướng thiết kế. Nhiệm vụ của tôi là tìm tư liệu, hình ảnh trùng khớp với các dữ liệu lịch sử từ ngày thành lập Đài cho đến nhân vật được chị Thu Thùy nhắc đến trong bài viết. Tất cả được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng trước khi phác thảo bản vẽ. Sau 15 ngày thực hiện, trải qua rất nhiều maquette thì bản infographic dần hình thành, mọi thông tin, hình ảnh đã được thể hiện hết sức súc tích trong thiết kế. Bản infographic đó được lãnh đạo Đài và lãnh đạo Báo đánh giá cao chính là nguồn động viên to lớn với chúng tôi”.

Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng với Sóng Việt

 

Năm năm ấy biết bao ân tình

5 năm đã trôi qua, mỗi số Sóng Việt đều là kết tinh của tâm huyết, trí tuệ từ những chuyên gia, nhà báo lớn trong và ngoài nước, phóng viên gạo cội của Báo Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng như sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ họa sĩ - phóng viên ảnh. Dưới cặp mắt tinh tường của Phó Tổng biên tập Lê Như, sự phối hợp ăn ý của “bộ đôi" Thư ký tòa soạn Minh Huệ (Trưởng phòng Thư ký tòa soạn) - Thu Thùy (Phó trưởng phòng Phóng viên), biên tập viên Vũ Ngọc…các số Sóng Việt xuất bản 5 năm qua hầu như không có lỗi lớn.

Sóng Việt với điểm nhấn là phần Thời luận bao gồm một cụm bài viết cùng chủ đề kết hợp với infographic toát lên nội dung chủ đạo của cả số báo. Qua từng năm, các chủ đề thời sự được đưa lên Sóng Việt với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Brexit, xuất khẩu nông sản, thành phố thông minh; Kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam và Covid-19; “Chuyển đổi số như một cuộc “dời đô”; “Giáo dục - chìa khóa mở tương lai”; “RCEP: Góp phần “định vị lại” chuỗi cung ứng khu vực “hậu Covid-19”; “Đặc khu tri thức - hội tụ tinh hoa Việt”; “Sốt bất động sản 2021 - đúng và trái quy luật”; Bản đồ vaccine”; “5000km cao tốc và khát vọng “đại lộ, đại phú”; “Thanh lọc thị trường tài chính”; “Tương lai của di chuyển”…

Mới đây nhất, số Sóng Việt chủ đề “Mạnh giàu từ biển quê hương” - một ấn phẩm được xuất bản để phục vụ chương trình chính luận nghệ thuật lớn do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng), Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức - đã nhận được sự khen ngợi từ các nhà tổ chức và khách mời tham gia chương trình. Trong số Tạp chí này, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - đã khẳng định: “Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, Đài TNVN là Cơ quan truyền thông có đầy đủ 4 loại hình báo chí (phát thanh, truyền hình, báo điện điện tử, báo in) với 08 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, 02 báo điện tử (VOV.VN và VTC News), 01 tờ báo in Tiếng nói Việt Nam, 01 Tạp chí Sóng Việt và nhiều ứng dụng nội dung số (VOV Media, VOV Live, VTC Now), có lượng công chúng thuộc diện lớn nhất Việt Nam nên sức lan tỏa chính sách rất rộng lớn”.

Năm năm qua, Sóng Việt luôn nhận được sự chỉ đạo, ủng hộ của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, sự cộng tác của lãnh đạo các đơn vị cũng như của các đồng nghiệp trong Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó cũng là động lực để chúng tôi không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình.

Sóng Việt tại một sự kiện ở Hà Nội

Trong “Lời chào, Sóng Việt” trên số Tạp chí Sóng Việt đầu tiên 1/2019, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy - viết: “Vẫn biết, trong đại gia đình báo chí Việt Nam, hiện có 860 cơ quan, ngót cả nghìn ấn phẩm, kênh sóng, báo điện tử...sự có mặt của Sóng Việt là bé nhỏ, khiêm nhường. Ngay trong gia đình báo chí lớn của Đài Tiếng nói Việt Nam với 8 kênh phát thanh quốc gia, 17 kênh truyền hình, 2 báo điện tử, 1 báo in, 1 nhà hát thì để làm cho Sóng Việt có được dáng vóc, khuôn mặt ấn tượng là điều không dễ. Sóng Việt luôn trăn trở và tâm niệm rằng: mảnh đất sắp vỡ sẽ cho hoa thơm trái ngọt nếu biết cách cuốc cày, chăm bẵm; con đường vừa cất bước sẽ có nhiều “sàng khôn” đang đợi chờ; thử thách là liều thuốc đánh thức mọi tiềm năng, khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tạo”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận