Tòa tuyên Việt Tú là tác giả của 'Ngày xưa', được trả 660 triệu đồng

Mấu chốt của vụ kiện xoay quanh quyền sở hữu của tác phẩm "Ngày xưa" và làm rõ việc "Tinh hoa Bắc bộ" là tác phẩm phái sinh, lấy ý tưởng từ vở "Ngày xưa".

 

Đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn "Ngày xưa”

Sáng 20/3, tại TAND Hà Nội tiếp tục diễn ra phiên xử sơ thẩm vụ Tuần Châu Hà Nội kiện công ty DS của đạo diễn Việt Tú.

Trong phần tuyên án, HĐXX sơ thẩm nhận định đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn "Ngày xưa", còn Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản.

Việc Công ty DS đăng ký quyền tác tác giả đối với Việt Tú là đúng quy định nhưng việc doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai. Tòa chấp nhận một phần yêu cầu của Tuần Châu Hà Nội, buộc phía Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn "Ngày xưa", nhưng không chấp nhận yêu cầu của phía Tuần Châu Hà Nội đòi Việt Tú bồi thường hơn 6 tỷ đồng vì không có căn cứ.

Ngoài ra, Công ty Tuần Châu Hà Nội phải trả cho Công ty truyền thông DS của đạo diễn Việt Tú tiền lãi chậm thanh toán, tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tương ứng với 10% bán vé là hơn 660 triệu đồng.

Các bên có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày từ ngày tuyên án.

Chiến thắng cho sự sáng tạo

Phát biểu sau phiên tòa, đạo diễn Việt Tú cho rằng: “Chiến thắng này không chỉ cho riêng tôi mà tất cả những nghệ sĩ hiểu được sự sáng tạo, của quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta đã có một án lệ về quyền sở hữu trí tuệ. Tôi thấy mình may mắn vì ở thời điểm này, không chỉ nhiều thành phần trong xã hội mà cả những cơ quan hành pháp, những luật sư... đã nhận thấy tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ.

Với nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là quyền sở hữu trí tuệ, sáng tạo của mình cần phải được tôn trọng. Nghệ sĩ không chỉ sáng tạo mà còn phải giữ gìn được sự sáng tạo đó trong sự phát triển chung của nền công nghiệp giải trí. Tôi đã chờ giây phút này rất lâu, cả 2 năm trời trong hành trình đi tìm sự thật.

Tôi tin, sau đây, không chỉ các nghệ sĩ mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chú ý, sẽ ý thức hơn tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ, trong sự phát triển, hội nhập chung của Việt Nam với quốc tế”.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, ước mơ của anh là được trở thành một phần của nền công nghiệp giải trí mà ở đó tất cả các nghệ sĩ, chủ đầu tư, doanh nghiệp cùng nhau đồng hành, phát triển, thượng tôn trí tuệ sáng tạo, và làm cho trí tuệ sáng tạo đó được thăng hoa, phát sinh lợi ích cho cả 2 bên.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, nếu Tuần Châu không tiếp tục vụ kiện thì anh sẽ không có động thái pháp lý tiếp theo nào cả. Vì điều anh cần tìm kiếm đã được tòa giải quyết thỏa đáng. “Đến vụ kiện này, tôi không có yêu cầu về tài chính. Quan trọng nhất là đã xác định "Tinh hoa Bắc bộ" là tác phẩm phái sinh từ "Ngày xưa" .Vụ kiện này chưa bao giờ là lựa chọn của tôi. Tất cả lùm xùm đang diễn ra, tôi là người bị động” - đạo diễn Việt Tú cho hay.

Đạo diễn Việt Tú tại tòa.

Đầu tiên là tôi không tự động đi đăng ký bản quyền vở diễn Ngày xưa. Trong quá trình tạo dựng vở, tôi nhiều lần email đề nghị và hướng dẫn phía Tuần Châu cùng đi đăng ký quyền tác giả cho vở diễn. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư không phối hợp.

Cho dù tôi có muốn đăng ký cho Tuần Châu nhưng họ không cung cấp đăng ký kinh doanh, không có pháp nhân đi cùng thì cũng không thực hiện được.

Vì trong hợp đồng đã ký kết, tôi phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tính pháp lý của tác phẩm. Nếu phát hiện đó là tác phẩm sao chép hoặc đã bị ai đó đăng ký bản quyền trước, tôi sẽ phải đền bù số tiền rất lớn cho Tuần Châu, đồng thời phải chịu trách nhiệm với tác giả đi đăng ký bản quyền trước đó.

Theo đơn kiện, năm 2015 - 2016, Công ty Tuần Châu Hà Nội đã ký hợp đồng kèm phụ lục trị giá hơn 7,4 tỉ đồng nội dung với đạo diễn Việt Tú, nhằm xây dựng vở diễn thực cảnh Ngày xưa, hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài.

Thực hiện hợp đồng, năm 2017, Cty Tuần Châu Hà Nội đã thanh toán cho đạo diễn Việt Tú hơn 7,3 tỉ đồng; chi hơn 5,9 tỉ đồng, nhằm phục vụ việc biểu diễn, nhưng Cty DS lại vi phạm các thỏa thuận đã ký.

Phía Tuần Châu cho rằng, chính mình đã đầu tư xây dựng kịch bản vở diễn Ngày xưa nên phải được sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú đã tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả với tác phẩm tại Cục Bản quyền; khai thác trái phép nhãn hiệu Thuở ấy xứ Đoài.

Tháng 3/2018, chủ đầu tư Tinh hoa Bắc Bộ đâm đơn kiện Việt Tú, yêu cầu bồi thường 6,2 tỉ đồng với lý do đạo diễn cố ý xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả, kịch bản, ý tưởng sân khấu thực cảnh.

Tại tòa, đạo diễn Việt Tú nói, khẳng định anh sẵn sàng chuyển giao lại quyền sở hữu kịch bản vở diễn Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) cho Tuần Châu Hà Nội nhưng với điều kiện công ty này phải hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với DS.

Để bảo vệ mình, tôi buộc phải đi đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm Ngày xưa.

Tôi chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt vở diễn Ngày xưa. Tôi chỉ muốn sự sáng tạo của mình được ghi nhận và làm sáng tỏ sự thật là Tinh hoa Bắc Bộ chỉ là tác phẩm phái sinh, dựa trên vở diễn Ngày xưa của tôi. Đồng thời, Tuần Châu phải thực hiện hết những nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng ký kết với tôi.

Hạnh Lê (tổng hợp)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận