Phải kê khai giá dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm

Việc kê khai giá là cần thiết để tránh tình trạng loạn giá xe cứu hộ, giúp bảo vệ người tiêu dùng.

 

UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của liên ngành Giao thông Vận tải (GTVT) và Tài chính về việc quản lý giá đối với xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông phải thực hiện kê khai giá cước theo quy định.

Theo Sở GTVT Hà Nội, một trong hai đơn vị đề xuất việc kê khai giá đối với dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm, hiện trên địa bàn Hà Nội có 28 xe cứu hộ kéo xe vi phạm được trang bị cho lực lượng CSGT và thanh tra giao thông.

Tuy vậy, không phải thời điểm nào lực lượng chức năng cũng có thể ứng trực trên toàn địa bàn nên phát sinh nhu cầu cẩu, kéo phương tiện vi phạm. Thống kê cũng cho thấy, hiện toàn thành phố có khoảng 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông phải thực hiện kê khai giá cước theo quy định.

Tuy nhiên, mức giá mà người dân phải trả trong nhiều trường hợp có sự chênh lệch rất lớn, gây thiệt thòi cho người dân. Thậm chí, mạng xã hội đã từng ghi nhận, có trường hợp chủ phương tiện tại Hà Nội phải trả đến 18 triệu đồng cho một lần bị cẩu kéo phương tiện vi phạm. Từ thực tế này, việc kê khai giá đối với dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Người tiêu dùng khi có các thông tin công khai về doanh nghiệp và giá dịch vụ, họ có thể cân nhắc khi chọn đơn vị nào. Đó là mục tiêu khi Sở GTVT và Sở Tài chính trình UBND thành phố ban hành danh mục kê khai giá bổ sung".

Theo Sở GTVT Hà Nội, sau ngày 1/3/2019, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông không thực hiện kê khai giá cước, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp Sở Tài chính kiểm tra và xử lý vi phạm.

Là một trong những người từng bị cẩu phương tiện khi dừng đỗ sai nơi quy định, anh Nguyễn Quang Nam, ở Tây Hồ, Hà Nội phấn khởi khi giá dịch vụ này được đưa vào quản lý. Anh Nam chia sẻ, hiện mức giá do các đơn vị đưa ra rất khác nhau, trong khi giá cẩu xe của lực lượng chức năng chỉ từ 250-300 nghìn đồng thì của các doanh nghiệp từ 900 nghìn đến 1,5 triệu đồng. Với quy định hiện nay, người dân khi cẩu kéo phương tiện không phải chịu giá “trên trời” do doanh nghiệp tự đưa ra.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Duyên, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ 116 Hà Nội cho biết, đơn vị chủ yếu thực hiện dịch vụ cứu hộ, cứu nạn khi không may phương tiện gặp sự cố. Cũng có trường hợp đơn vị thực hiện cẩu kéo phương tiện vi phạm theo đề xuất của lực lượng chức năng, song Trung tâm đều công bố mức giá trước để người dân lựa chọn.

Từ việc thực hiện kê khai giá dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm của cơ quan chức năng, các ý kiến cũng cho rằng, điều này là cần thiết để tránh tình trạng loạn giá xe cứu hộ, giúp bảo vệ người tiêu dùng.

(Theo VOV giao thông.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận