Để Ngã ba Cò Nòi xứng tầm lịch sử

Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi,'địa chỉ đỏ' nơi cửa ngõ Tây Bắc đang ngày một xuống cấp, việc bảo vệ và khai thác giá trị gặp nhiều khó khăn.

 

Ký ức Ngã ba “chảo lửa”

Năm nay đã 88 tuổi, nhưng những năm tháng cùng đồng đội đêm ngày đội mưa nắng, với tinh thần quả cảm để bảo đảm tuyến giao thông “huyết mạch” tại Ngã ba Cò Nòi, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Trung Thành ở phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La.

Đầu năm 1953, khi ấy mới 22 tuổi, ông Thành cùng nhiều thanh niên quê hương Nghệ Tĩnh tham gia thanh niên xung phong (TNXP). Đơn vị ông là đội 40, thuộc Đoàn TNXP Trung ương, có nhiệm vụ sửa đường, phá bom, dẫn xe các đoàn dân công qua khu vực ngã ba Cò Nòi.

Mỗi ngày địch thả xuống Ngã ba Cò Nòi hàng trăm quả bom, với 4 loại bom là: bom phá, bom nổ chậm, bom bướm và bom napan. Bom phá đường và bom nổ chậm có trọng lượng từ 250 - 500kg. Mặt đường bị hư hại nặng, lực lượng TNXP phải tìm cách khắc phục cho các đoàn xe qua, đoạn đường bị hỏng nặng phải mở ngay đoạn mới. Những chỗ có bom nổ chậm chưa kịp đào, thanh niên xung phong đứng làm cọc tiêu sống hướng dẫn các lực lượng đi qua. Ông Thành nhớ lại, ban ngày anh em vào rừng chặt bó cây để sẵn, tối vác ra, nếu bom đánh trúng đường thì lát bó cây xuống để xe đi qua.
Ông Thành cho biết, đối với TNXP, vất vả và nguy hiểm hơn cả là khi phá các quả bom nổ chậm. Để đối phó với thủ đoạn sử dụng bom nổ chậm, đơn vị đã phân công người làm nhiệm quan sát, đếm và xác định rõ số lượng, vị trí các quả bom chưa nổ mỗi khi máy bay Pháp ném bom khu vực ngã ba này. Có như vậy mới đảm bảo an toàn tính mạng cho lực lượng TNXP khi làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, giải phóng đường.

Cựu TNXP Nguyễn Trung Thành không thể quên những ngày tháng cùng đồng đội chiến đấu tại Ngã ba Cò Nòi

Vũ khí lúc đó của TNXP thuộc đội phá bom là những chiếc xẻng nhỏ, cuốc nhỏ, xà beng và một chiếc thuốn để tìm bom. Khi đào thấy ngòi nổ sẽ đặt bộc phá. Bộc phá nổ là bom nổ. Còn bom nổ chậm nếu tháo ngòi nổ ra thì quả bom cũng bị vô hiệu. Một kỷ niệm đau thương mà ông Thành không thể nào quên là vào ngày 8/3/1954, giặc Pháp thay đổi loại bom hẹn giờ, công binh vừa tháo ngòi nổ ra thì bom nổ khiến một số công binh và 21 TNXP hy sinh.

Ông Phan Phúc Võ, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Sơn La cho biết: Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã có nhiều nhà khoa học quân sự trong nước và quốc tế, như Mỹ và Pháp đã nghiên cứu sâu về đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng ta và quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết họ khẳng định “Có chiến thắng ở Ngã ba Cò Nòi mới có chiến thắng ở Điện Biên Phủ”, “Việt Nam chiến thắng ở Ngã ba Cò Nòi là chiến thắng ở Điện Biên Phủ”. Giặc Pháp khẳng định, Ngã ba Cò Nòi là yết hầu của Việt Minh cho nên phải cắt đứt được yết hầu này, nếu không sẽ thất bại ở tập đoàn Điện Biên phủ. Vì vậy, địch tập trung đánh phá ở đây rất ác liệt. 56 ngày đêm ở chiến trường Điện Biên Phủ ngủ hầm cơm vắt thì Cò Nòi cũng thế.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự hy sinh và đóng góp của lớp TNXP  cho mạch máu giao thông thông suốt, cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử toàn thắng vẫn luôn vang vọng nơi “ chảo lửa” Ngã ba Cò Nòi.

Di tích đang xuống cấp


Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là 1 trong 13 di tích của tỉnh Sơn La được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Sau khi xếp hạng, di tích đã được bàn giao về UBND huyện Mai Sơn quản lý. Do không có biên chế để trông coi, quản lý và khai thác nên việc phát huy giá trị di tích rất khó khăn, dẫn đến tình trạng di tích bị xuống cấp.

Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP được tỉnh Sơn La xây dựng tại Ngã ba Cò Nòi vào năm 2000. Trên diện tích 20.000m2, cụm tượng đài cao 12m, được tạo từ chất liệu đá xanh. Cùng với nhóm tượng đài còn có 2 bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp. Các bức phù điêu tái hiện hình ảnh quân và dân ta chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, thể hiện đóng góp của TNXP như lấp hố bom, san đường, kéo pháo. Với địa thế đẹp, cạnh quốc lộ 6, nhưng khu di tích lại ít khách viếng thăm, lá cây phủ kín lối đi, sân trước nhà trưng bày còn được người dân tận dụng phơi ngô.

Ông Phạm Anh Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông văn hóa huyện Mai Sơn, đơn vị được giao trực tiếp quản lý khu di tích lịch sử  Ngã ba Cò Nòi cho biết: Hơn 10 năm qua, di tích đã đón tiếp hàng trăm đoàn với hàng ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan trong những chuyến về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, là địa chỉ đỏ để tuyên truyền lịch sử tới thế hệ trẻ… Tuy vậy, nơi đây còn nhiều khó khăn trong việc quản lý, khai thác. Do không có biên chế nên Trung tâm chỉ thuê người dân sinh sống gần đấy trông coi, quét dọn, mở cổng phục vụ khi có đoàn đến tham quan, tưởng niệm. Không gian nhà trưng bày chật hẹp, kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ sưu tầm được còn quá ít, không có nơi tiếp đón khách, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, không có cán bộ thuyết minh về di tích. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm di tích để làm nương rẫy, dịch vụ của người dân khiến cho di tích tiếp tục xuống cấp.

Di tích nằm cạnh quốc lộ 6 rất thuận tiện cho người dân viếng thăm.

Theo ông Phan Phúc Võ, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Sơn La: Năm 2002, các hạng mục của di tích chỉ mới được đầu tư xây dựng gồm: khu tượng đài, phù điêu, nhà trưng bày, bia tưởng niệm để ghi dấu, tưởng niệm. Với ý nghĩa quan trọng, tầm vóc của di tích lịch sử Quốc gia, nhưng lại chưa có quy hoạch tổng thể, chưa có sự nghiên cứu về các hạng mục di tích gốc như: lán trại, kho tàng, hệ thống giao thông hào, hố bom, trận địa phòng không, nơi ở và hoạt động của lực lượng TNXP. Vì vậy, di tích chưa phản ánh đầy đủ tính chất khốc liệt trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ TNXP, các lực lượng bảo vệ tại ngã ba này.

Với tầm vóc và giá trị lịch sử, di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi cần sớm được phục hồi, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và khai thác đúng với giá trị của nó./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận