Nhà báo trẻ cần làm gì để thành công?

Kỹ năng nào đóng vai trò quyết định thành công của nhà báo trẻ là vấn đề được các nhà báo trẻ quan tâm tại diễn đàn Nhà báo trẻ

Nhà báo trẻ cần đọc nhiều, đi nhiều

Nhà báo trẻ ngày nay có thế mạnh là được đào tạo bài bản, chuyên sâu và có cơ hội tiếp nhận công nghệ thông tin mới với các phương tiện truyền thông đa phương tiện. Tuy nhiên, khi trình độ dân trí ngày một nâng cao, yêu cầu thông tin của họ cũng cao hơn, đòi hỏi nhà báo phải liên tục trau dồi tri thức, hình thành những kỹ năng và không ngừng sáng tạo, làm mới mình.

Vậy nhà báo trẻ cần hình thành kỹ năng nào? Theo TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam: Trước hết là có nền tảng kiến thức, tri thức về lĩnh vực cụ thể. Những tri thức, kiến thức này được thường xuyên sử dụng một cách nhuần nhuyễn, thuần thục sẽ trở thành kỹ năng. “Kỹ năng đầu tiên sinh viên, nhà báo trẻ cần học là đọc nhiều, đi nhiều để có những va chạm trong thực tế, từ đó mới tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm để khi viết về vấn đề nào đó sẽ có những kiến giải thuyết phục với công chúng”.

Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng Ban công tác Hội, Hội nhà Báo Việt Nam cho rằng,  giữa ngồn ngộn thông tin trên mạng, để độc giả chọn đọc báo của mình, bài của mình thì nhà báo cần dấn thân, cần có những trải nghiệm để tìm ra cái mới đem đến cho độc giả những thông tin nóng, hấp dẫn. “Làm báo, phải đi nhiều, đọc nhiều, ngẫm nhiều, viết cũng nhiều, phải đi sâu đi sát. Tôi sợ nhất các nhà báo trẻ viết theo lối mòn hoặc đi tìm thực tế trên mạng” - nhà báo Nguyễn Uyển nhận xét.

 PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) lại nhấn mạnh về phong cách tác nghiệp của nhà báo trong thời hiện đại. Theo bà, phong cách chính là cách thức, tác phong thực hiện nghiệp vụ của từng người, mang dấu ấn cá nhân rõ rệt. Phong cách tác nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm việc, đồng thời là yếu tố quan trọng để đánh giá năng lực và mức độ chuyên nghiệp của một nhà báo. Dù quá trình tác nghiệp luôn phải đương đầu với những khó khăn, căng thẳng nhưng nhờ đó, các nhà báo có thể mang về những thông tin có giá trị mà việc ngồi ở nhà lướt mạng internet không thể có được.

Kỹ năng phân tích, đánh giá

Theo nhà báo Nguyễn Uyển, công nghệ thông tin mang lại cho các nhà báo nhiều lợi thế, nhưng đó là con dao 2 lưỡi. Vì thế, mỗi nhà báo phải biết cách thẩm định để tìm hiểu thông tin nào là chính xác. Việc đưa thông tin phải có kiểm chứng và trung thực. Muốn vậy, nhà báo phải là người có đạo đức, mỗi bài viết đều xuất phát từ trách nhiệm với công việc, trách nhiệm xã hội.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng, trong cuộc CMCN 4.0, các nhà báo trẻ cần có tư duy sắc bén, khả năng chiếm lĩnh công nghệ, nhưng cũng cần kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện giữa những tin thật và tin giả trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay. “Ngoài việc chiếm lĩnh được công nghệ để bổ trợ cho nghề báo thì cốt lõi của nghề báo vẫn là hiểu được tính trách nhiệm trong việc đưa tin” - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Thách thức của nhà báo trẻ trong thời đại 4.0 chính là ngoại ngữ. Các nhà báo trẻ cũng như sinh viên thuộc lĩnh vực báo chí vẫn còn  hạn chế về ngoại ngữ. Đây chính là rào cản lớn để tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ của thế giới” - TS. Lê Hoàng Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, các ý kiến đều cho rằng, nhà báo trẻ trong thời đại công nghệ 4.0 phải sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Theo chia sẻ của một giảng viên Học viện Báo chí, có những khóa học chỉ có 30% sinh viên tốt nghiệp lần đầu. Lý do trượt tốt nghiệp chủ yếu nằm ở hai môn: Tin học và Ngoại ngữ.

“Qua những chia sẻ của các nhà báo, em thấy mình phải sáng tạo, chủ động hơn trong học tập và tìm kiếm công việc. Có như vậy, mới có được môi trường làm việc như ý muốn” - Nguyễn Ngọc Linh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nhìn nhận vấn đề này, TS. Lê Hoàng Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế, nhận xét, thách thức của nhà báo trẻ trong thời đại 4.0 chính là ngoại ngữ. Các nhà báo trẻ cũng như sinh viên thuộc lĩnh vực báo chí vẫn còn  hạn chế về ngoại ngữ. Đây chính là rào cản lớn để tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ của thế giới. Vì vậy, những bạn trẻ đang học báo và những người làm báo cần phải tiếp tục học tập, bổ sung kiến thức và trau dồi ngoại ngữ để có thể mở rộng tầm nhìn, học tác phong nghiệp vụ làm báo cũng như cập nhật nguồn thông tin, cách phân tích, viết báo… của nền báo chí thế giới, từ đó hội nhập và phát triển nghề báo./.

Bình luận

    Chưa có bình luận