Hà Nội chi 1.500 tỷ đồng hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông

Theo lãnh đạo Tổng Cty điện lực Hà Nội, số tiền chi cho hạ ngầm là 1.500 tỷ đồng để đồng bộ các đường dây trung, hạ thế và viễn thông...

 

Chiều 2/4, thông tin về tình hình cung ứng điện, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dự báo thời tiết mùa hè năm 2019 có thể xảy ra nắng nóng kéo dài, gây quá tải cực đoan lưới điện. Để chủ động ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn liên tục, ngay từ cuối năm 2018, Tổng công ty đã tổ chức rà soát phương án cấp điện năm 2019, từ đó đề ra các biện pháp, tình huống và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong việc đảm bảo cấp điện năm 2019.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng EVN Hà Nội thông tin về tình hình cung cấp điện mùa hè.

Đối với việc cam kết có để xảy ra sự cố về điện trong mùa hè năm 2019 hay không, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, EVN Hà Nội luôn cam kết khắc phục sự cố trong vòng 2 giờ đồng hồ và thực tế luôn xử lý nhanh các tình huống. Trong mùa hè năm 2018, việc khắc phục sự cố điện của EVN Hà Nội đã được thành phố và nhân dân ghi nhận.

Trong mùa nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời lớn hơn 36°C, EVN Hà Nội yêu cầu các đơn vị không thực hiện ngừng giảm cung cấp điện để phục vụ đầu tư cải tạo lưới điện, đấu nối phát triển lưới điện, tổ chức trực đảm bảo điện trong toàn bộ các đơn vị.

Về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện năm 2019 EVN Hà Nội sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản như: Giải pháp kỹ thuật và vận hành; Giải pháp về Đầu tư xây dựng- Sửa chữa lớn; Giải pháp về bảo vệ hành lang lưới điện.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, với thời tiết diễn ra nắng nóng trong 2-3 tháng mức độ sử dụng điện tăng nhanh, vì vậy ngoài giờ cao điểm, EVN Hà Nội mong khách sử dụng hợp lý thiết bị điện để tránh ảnh hưởng đến hệ thống.

EVN Hà Nội khuyến khích khách hàng sử dụng điện hợp lý.

Để cung cấp điện hè năm 2019, EVN Hà Nội đã xây dựng phương án có tính toán đến trường hợp sự cố cực đoan nhất trên lưới điện để ứng phó kịp thời; phối hợp với Sở Công Thương xây dựng kịch bản khi xảy ra sự cố diện rộng và được UBND Thành phố phê duyệt. Đồng thời yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành xây dựng sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện mùa khô, mùa hè nắng nóng tại đơn vị, có xét đến tình huống tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn đưa vào vận hành đúng tiến độ và sẵn sàng phương án dự phòng trong các tình huống phụ tải tăng bất thường.

1.500 tỷ đồng hạ ngầm mạng điện, viễn thông

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội, thực hiện chủ trương của thành phố, Tổng Công ty đã và đang tiếp tục thi công hạ ngầm đồng bộ các đường dây trung, hạ thế và viễn thông là tài sản của Tổng Cty tại các tuyến phố, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cung cấp điện cho thành phố.

Trong năm 2018, EVN Hà Nội đã thi công xong 74 tuyến phố, tổng khối lượng là 127,6km; 632 tủ pilar; 69km cáp ngầm. Hiện đang thi công 25 tuyến phố trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân và Hoàng Mai.

Tổng Công ty cũng sẽ tiếp tục thực hiện hạ ngầm tại 56 tuyến phố, triển khai trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông.

"Công tác hạ ngầm rất được quan tâm và từ 3 năm trước, chúng tôi đã có cam kết giữa các ngành viễn thông, truyền hình, chiếu sáng... đã đầu tư 1.500 tỷ theo cam kết để hạ ngầm các tuyến phố”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện còn 25 tuyến đang tiếp tục thực hiện theo cam kết cũ. Năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai thêm 59 tuyến phố, số tiền sẽ vượt qua 1.500 tỷ đồng./.

Theo vov.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận