Vượt qua rào cản chính mình

Bản thân người khuyết tật phải chủ động tâm thế, vượt qua rào cản tâm lý của bản thân để hòa nhập xã hội.

 

Họ cũng mong muốn cộng đồng sẽ tạo điều kiện hoặc ít nhất là không kỳ thị, định kiến.

Những con số biết nói

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef), cả nước gần 5 triệu hộ gia đình có người khuyết tật (NKT). Tỷ lệ NKT từ 2 tuổi trở lên chiếm hơn 7% dân số, tương đương khoảng hơn 6,2 triệu người. Số NKT có xu hướng tăng lên trong tương lai do già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông...

Điều tra cũng cho thấy, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho NKT cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với NKT. Điều tra cũng chỉ ra cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Chỉ có 2% trường tiểu học và trung học cơ sở có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.

NKT là đối tượng lao động đặc biệt, bởi hầu hết họ đều gặp khó khăn trong quá trình học tập, làm việc. Việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT vừa giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, lao động khuyết tật vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình tiếp cận cơ hội việc làm.

Hàng trăm lao động là người khuyết tật được đào tạo nghề và làm việc tại Công ty Cổ phần May và in 27/7 Quảng Ninh.    Ảnh: Thu Thủy.

Anh Voòng A Nhì bị khiếm thị bẩm sinh đang làm việc tại cơ sở tẩm quất xoa bóp của Hội người mù tỉnh Quảng Ninh với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số NKT có được một công việc ổn định như anh Voòng A Nhì không nhiều. “Tôi thấy mình còn may mắn hơn so với những NKT nói chung. Rất mong cộng đồng xã hội cởi mở hơn, thiện chí hơn đối với những NKT để chúng tôi được học nghề mà có cơ hội tự mình vươn lên. Đấy là cách để chúng tôi có thể hòa nhập tốt nhất".

Em Nguyễn Đức Thiện, người khiếm thị sinh hoạt ở Mái ấm Đông Đô, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội cho hay: “Em và các bạn thường tập nhạc và đi biểu diễn đường phố khoảng 20 buổi mỗi tháng. Thu nhập từ việc đi biểu diễn này tạm đủ trang trải tiền ăn và đi lại. Việc đi diễn cũng gặp khá nhiều khó khăn vì không phải phường nào, quận nào cũng tạo điều kiện cho mình biểu diễn. Ngoài ra, có một số người mắt sáng lôi kéo NKT, trả cho họ một số tiền để lấy danh nghĩa những NKT để kiếm sống, mưu sinh, kiếm lợi cho họ và vô hình trung làm xấu đi hình ảnh của những NKT biểu diễn đường phố chân chính”.

Theo chia sẻ của nhiều NKT, một khó khăn không nhỏ của NKT là việc đi lại rất bất tiện bởi ở Việt Nam chưa có đường đi, lối đi riêng cũng như các biển báo dành cho NKT. Ngay tại những sự kiện, thì chỉ sự kiện nào nhắm đến NKT, Ban tổ chức mới sắp xếp người hỗ trợ, còn những sự kiện chung thì sự hỗ trợ này gần như là không có. Thiện chia sẻ: “Khi đi xe buýt, âm thanh báo điểm đến lúc có lúc không. Có khi tài xế tắt tiếng báo hiệu điểm đến đi. Nếu em có nhờ tài xế bật lên thì có tài xế tỏ ra khó chịu. Rào cản lớn nhất là xã hội vẫn chưa hiểu nhiều và cũng chưa thực sự cảm thông với những NKT”.

Bùi Quang Vũ, HLV đội tuyển cờ vua khuyết tật Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến NKT như được đi xe buýt miễn phí, tổ chức các trường cho NKT được học văn hóa, học nghề để có thể tự chủ cho cuộc sống của họ. Từng quận đều có Hội NKT của quận, nên NKT được giao lưu, tư vấn về thông tin pháp luật, việc làm. Có nhiều Trung tâm đã quan tâm đến NKT để giúp họ có nhiều cơ hội hơn để có thể hòa nhập và làm chủ cuộc sống của họ. Có trung tâm thu mua các sản phẩm thủ công của hội viên để mang đi bán, tạo dựng được cung - cầu cho sản phẩm của hội viên của mình.

Còn nhiều việc phải làm cho NKT

Chăm lo cuộc sống cho NKT, trong đó vấn đề dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các đối tượng này luôn cần được các cấp, các ngành quan tâm. Trên thực tế, có khá nhiều Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT được tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho NKT khi tìm kiếm việc làm, học nghề. Tham gia phiên giao dịch việc làm này, người lao động sẽ được tư vấn tập trung về thông tin các vị trí việc làm của các doanh nghiệp tuyển dụng; được hướng dẫn cách tiếp cận với nhà tuyển dụng và chuẩn bị hồ sơ xin việc; được trực tiếp trao đổi về việc làm, học nghề, tư vấn khám sức khỏe; được tư vấn về chính sách, pháp luật lao động và các vấn đề khác.

Các vận động viên tham dự giải HCMC marathon năm 2018.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến người khuyết tật. Trong đó, chúng ta đã ban hành Luật Người khuyết tật và Việt Nam cũng đã phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, xây dựng các khung khổ pháp lý đảm bảo quyền của NKT. Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Những khuôn khổ pháp lý quy định nội dung này chúng ta đang từng bước hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội của đất nước ta, giúp NKT có cơ hội tiếp cận toàn diện, đầy đủ về quyền có việc làm, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ NKT được học nghề, dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và chúng ta sẽ hỗ trợ cho NKT tiếp cận những công việc phù hợp với năng lực và hỗ trợ; tự tạo việc làm, tự tổ chức sản xuất, kinh doanh để họ có thể tự tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống và có cơ hội phát triển, vươn lên”.

Tuy nhiên, trong thực tế, khi triển khai các cơ chế, chính sách trợ giúp cho NKT thì còn tồn tại nhiều rào cản đối với NKT, đặc biệt là học văn hóa, học nghề và tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp với đặc điểm thể chất và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động tại nơi cư trú.

Vì vậy, đào tạo nghề, tạo cơ hội để NKT được làm việc và có cuộc sống ổn định là chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước. Và để làm được điều này, không thể thiếu sự chung tay của các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp.

Ngoài ra, vấn đề phục hồi chức năng cho NKT cũng được quan tâm. Ở nước ta có hệ thống bệnh viện, mạng lưới y tế của ngành y tế và trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc ngành lao động, thương binh, xã hội trải đều trên phạm vi cả nước. “Tuy nhiên, để giúp NKT có được cơ hội phục hồi chức năng bền vững ở ngay tại cộng đồng, ngay tại nơi cư trú thì chúng ta phải làm rất nhiều việc: cần xây dựng những chương trình ở cấp độ quốc gia về phục hồi chức năng cho người khuyết tật, phát triển cơ chế chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật có cơ hội phục hồi chức năng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này”, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh./.


 

“Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp luôn quan tâm, chăm lo tới đối tượng là NKT và trẻ mồ côi; luôn tham gia các chương trình do Hội tổ chức vận động. Đặc biệt, thông qua những văn bản luật và công ước quốc tế, những hoạt động từ thiện, những cơ sở dạy nghề, những cơ sở sản xuất luôn tạo điều kiện cho NKT và trẻ mồ côi được học tập, lao động và sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và có những đóng góp hữu ích vào sự phát triển của đất nước”.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận