Sắp xếp phế liệu khoa học chống cháy nổ

Kinh doanh, tái chế phế liệu là ngành nghề kiếm sống khá phổ biến của một lượng lớn người lao động hiện nay. Song, công việc này có nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ

 

 

Các cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu thường có nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ cao.

Ghi nhận tại một số cơ sở kinh doanh phế liệu tại Q. Hà Đông (Hà Nội) cho thấy, điểm chung là những nơi này có diện tích nhỏ nhưng lượng hàng hóa nhiều, chứa nhiều vật liệu dễ cháy như: giấy, nhựa, bìa carton, vỏ xốp, cao su… Hầu hết vụ cháy xảy ra tại các cơ sở thu mua phế liệu là cháy lớn, gần như thiêu rụi 100% diện tích chứa hàng.

Vào năm 2017, dư luận đang hết sức quan tâm đến vụ nổ kinh hoàng tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) làm 2 người chết, nhiều người bị thương và hàng loạt căn nhà bị san phẳng. Trước đó, cũng có không ít các vụ cháy, nổ khác xảy ra ở nhiều địa phương khác do bom, đạn, chất nổ gây ra. Điều này khiến không ít người giật mình lo sợ về sự an toàn tại những điểm kinh doanh sắt vụn, phế liệu ngay tại khu dân cư.

Khi được hỏi về những phương án phòng chống cháy nổ, một cơ sở kinh doanh phế liệu tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết, họ chỉ dựa vào những kinh nghiệm của bản thân trong việc lựa chọn và phân loại vật liệu tại cửa hàng của mình; đồng thời, khẳng định rất khó có nguy cơ gây cháy nổ:

“Người ta mang đến đây bán là tôi phải phân ra từng loại một, giấy đằng giấy, nhựa đằng nhựa và sắt thép để riêng. Chồng tôi với tôi cũng biết dùng bình chữa cháy nhưng mà phải bao giờ có cháy thì mới dùng”.

“Nói chung chỗ mình có gì đâu, hoàn toàn sắt với nhựa thôi, làm gì có gì mà hỏa hoạn, hằng ngày mình dọn dẹp sạch sẽ rồi”.

“Gia đình thì cũng có sẵn bình chữa cháy rồi nhưng cũng chỉ phòng thôi vì có bao giờ xảy ra chuyện đó đâu”.

Theo ghi nhận, ở những cơ sở thu mua phế liệu, chủ các cơ sở phần lớn là người dân ngoại tỉnh, từ các vùng nông thôn tới. Vì cuộc sống mưu sinh nên họ bất chấp mọi điều kiện tạm bợ để hoạt động kinh doanh.

Lực lượng tại chỗ đa phần chưa được tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy, vì thế ý thức chấp hành các điều kiện an toàn PCCC thấp; địa phương cũng khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, những cơ sở này chủ yếu kinh doanh tự phát, tạm bợ, thậm chí thuê tạm mảnh đất trống để kinh doanh nên việc đầu tư các điều kiện an toàn PCCC rất khó.

Lực lượng Cảnh sát PCCC dù tiến hành kiểm tra, kiến nghị thực hiện thì chủ cơ sở cũng chỉ có thể thực hiện các kiến nghị như trang bị bình chữa cháy, lắp đặt bảng tiêu lệnh, nội quy PCCC. Còn các giải pháp kỹ thuật khác như trang bị các hệ thống PCCC không thực hiện được.

Vì vậy, khi xảy ra sự cố thường là cháy nổ lớn, không kiểm soát được ngay từ giai đoạn ban đầu. Phân tích những nguy cơ mất an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh phế liệu, Thượng úy Đỗ Việt Hùng - Đội CS PCCC&CNCH Công an Q. Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Nguy cơ cháy nổ là nguồn điện, bảng điện, dây dẫn đấu nổi cẩu thả có thể chạm chập bất cứ lúc nào sẽ gây ra cháy. Thứ hai là việc thắp hương thờ cúng và việc sắp xếp hàng hóa cũng khiến khả năng cháy lan rất nhanh. Thứ ba là việc dùng các bình gas để đun nấu cũng là những ngọn lửa trực tiếp gây cháy nổ”.

Nhằm ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc khi xảy ra cháy nổ đối với loại hình kinh doanh này, Cảnh sát PCCC khuyến cáo chủ các cơ sở kinh doanh phải chủ động, tích cực phòng ngừa, sẵn sàng về lực lượng và phương tiện tại chỗ để kịp thời xử lý sự cố cháy nổ. Đưa ra những lời khuyên cụ thể, Thượng úy Đỗ Việt Hùng cho biết thêm:

“Chúng tôi khuyến cáo các cơ sở khi thu mua các vật liệu có khả năng gây cháy nổ hoặc các vật liệu bom đạn quân sự, vũ khí phải trình báo ngay để có hướng dẫn. Chủ cơ sở phải lưu ý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải cách xa các khu vực gây cháy. Sắp xếp hàng hóa phải hợp lý. Sử dụng dây điện, đun nấu phải tuân theo quy định PCCC. Đồng thời tham gia tập huấn thường xuyên để đảm bảo tối thiểu việc an toàn PCCC khi kinh doanh loại hình này”.

Bên cạnh đó, các chủ cơ sở kinh doanh phế liệu cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt và các biện pháp ngăn cháy, chống cháy lan. Sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không để hàng hóa, vật dụng trên lối thoát nạn, gần nơi đun nấu, thờ cúng, sát đường dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện.

Thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay các sai phạm, thiếu sót của hệ thống điện. Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng, không để xảy ra chạm chập, quá tải gây cháy.

Bố trí lực lượng tại chỗ thường trực, bảo vệ trông coi để kịp thời khắc phục khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Trang bị các thiết bị chữa cháy nhằm chủ động kịp thời dập tắt đám cháy ngay từ lúc ban đầu hoặc ngăn chặn sự phát triển của đám cháy không để cháy lan và cháy lớn./.

Nếu có bất kỳ câu hỏi, băn khoăn liên quan đến công tác đảm bảo an toàn PCCC, quý vị có thể liên hệ qua tổng đài của kênh VOV Giao thông: 024.37.91.91.91, thư điện tử: hoso114vov@gmail.com

Theo vovgiaothong.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận