Thống kê tai nạn giao thông vì sao chưa sát thực tế?

Bộ Công an từng xác nhận, những số liệu thống kê về các trường hợp bị thương vong do tai nạn giao thông chưa sát với thực tế.

 

 

Điều đó ảnh hưởng đến việc nhận định tình hình, tìm nguyên nhân và giải pháp hạn chế tai nạn giao thông. Thậm chí số người thương vong do tai nạn giao thông “vênh” nhiều so với thực tế còn có thể dẫn đến sự chủ quan của người dân. Vậy vì sao lại có tình trạng này?

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vấn đề này.

Trật tự an toàn giao thông nhằm hạn chế thương vong do tai nạn.

Theo ông thì việc thống kê chính xác số vụ tai nạn giao thông, số người tử vong và bị thương có ý nghĩa như thế nào đối với các cơ quan chức năng?

Về số liệu thống kê, nếu chúng ta thực hiện được chính xác thì sẽ nhìn nhận được chính xác và khách quan nhất về tình trạng tai nạn giao thông và từ con số thống kê đó, chúng ta nắm được thực trạng sẽ phân tích ra được nguyên nhân cụ thể là gì. Từ đó, mới đặt những nhóm giải pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất để chúng ta giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh và những vấn đề đang tồn tại. Dẫn đến lợi ích chung là hiệu quả về công tác quản lý nhà nước, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và dần dần sẽ kéo giảm được tai nạn giao thông, xây dựng được môi trường an toàn giao thông tại Việt Nam văn minh và thân thiện hơn và đảm bảo được quyền lợi tối ưu của người dân được an toàn, mạnh khỏe.

Hiện nay, số liệu về tình trạng tai nạn giao thông mà Ủy ban ATGT Quốc gia công bố mỗi dịp nghỉ lễ tết dựa vào kết quả thống kê của đơn vị nào, thưa ông?

Hiện nay, về trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông thì chúng tôi vẫn phải dựa trên con số công bố của Bộ Công an, từ lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước.

Trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4, mùng 1/5 vừa qua, Ủy ban ATGT cho rằng cả nước xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông, làm 192 người thương vong. Trong khi đó số liệu của Bộ Y tế đưa ra thì có tới hơn 10.000 người đến bệnh viện khám, cấp cứu vì tai nạn giao thông. Theo ông, vì sao lại có sự chênh lệch lớn giữa 2 số liệu này?

Trước tiên, về phía Ủy ban ATGT Quốc gia, chúng tôi vẫn chưa làm việc lại với Bộ Y tế về phương pháp thống kê trong thời gian qua. Còn theo phương pháp thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thống kê tại hiện trường. Cũng phải khẳng định rằng, khi sử dụng rượu bia có rất nhiều hệ lụy phát sinh như đánh nhau. Khi đánh nhau gây thương tích cũng đưa vào bệnh viện và để tránh tai tiếng và nhận được hỗ trợ từ bảo hiểm y tế thì rất nhiều người khai rằng bị tai nạn giao thông. Rõ ràng, lúc đó bác sĩ không thể đi kiểm soát xem có phải người đó bị tai nạn giao thông thật hay không. Nhiều vụ tai nạn cấp cứu về bia rượu, họ chuyển tuyến liên tục trong thời gian ngắn nên việc trùng lặp cũng có thể diễn ra...

Trên thực tế có những trường hợp sau khi bị TNGT đã không đến bệnh viện và không báo cho công an. Có những trường hợp sau một thời gian bị tai nạn mới tử vong nên không được thống kê. Vậy, thời gian tới, phương pháp thống kê sẽ có những thay đổi gì để đảm bảo sát với thực tế, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng cách thống kê của mỗi lực lượng khác nhau và đều chính xác đối với từng lực lượng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, khách quan thì chúng ta cần thay đổi và nghiên cứu để đưa ra những chỉ tiêu và phương pháp thống kê đồng nghĩa với những công cụ thống kê, công cụ quản lý, hỗ trợ để đảm bảo công tác thống kê được thống nhất và khách quan hơn. Rõ ràng phải nghiên cứu và học kinh nghiệm phương pháp thống kê của các nước trên thế giới để dần dần hoàn thiện. Vì muốn làm được thì phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống theo dõi hết sức tối ưu, đầu tư lớn.

Trong Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo Bộ Công an cũng đã quán triệt là trong thời gian tới đây, tất cả các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia phải nhanh chóng đưa ra đề xuất và những quy định mới về phương pháp và những chỉ tiêu thống kê về tai nạn giao thông.

Chúng ta sẽ khắc phục thế nào trước tình trạng hiện nay, mỗi một đơn vị có một hệ thống và phần mềm thống kê khác nhau, thưa ông?

Việc áp dụng công nghệ vào những việc này là hết sức cần thiết và là nhu cầu cấp bách hiện nay, không chỉ có trong thống kê về tai nạn, giao thông mà nó còn liên quan đến hệ thống thống kê theo dõi về mặt dân cư. Uỷ ban ATGT sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác cùng nghiên cứu để đưa những thông tin liên quan đến những yếu tố, những hành vi tham gia giao thông của người dân như bằng lái, sức khỏe, quá trình vi phạm… bên cạnh các công cụ quản lý của các cơ quan chuyên ngành.

Việc thay đổi cách thống kê để làm sao khách quan hơn như trên tỷ lệ người dân, trên tỷ lệ phương tiện của tỉnh, thành phố. Hiện nay, vụ việc nào đó ở trên địa bàn nào đó thì việc thống kê chưa đảm bảo được tính khách quan. Ví dụ người dân của tỉnh này nhưng lại gây tai nạn ở tỉnh khác...

Bên cạnh đó, cũng chưa thực hiện phân kỳ về tỷ lệ dân cư và số lượng phương tiện của các tỉnh thành trên cả nước, việc này cũng đã thể hiện tính không khách quan. Ví dụ, các tỉnh nhỏ, điều kiện kinh tế còn khó khăn, phương tiện ít như tỉnh Cao Bằng thì rõ ràng tỷ lệ tham gia giao thông và mật độ giao thông hạn chế nhưng chúng ta lại áp dụng cùng một chỉ tiêu đấy đối với cả những thành phố lớn có kinh tế phát triển và sôi động như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… thì không đảm bảo tính khách quan.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn, cơ quan của Chính phủ cũng đang hết sức tập trung bàn bạc một cách bài bản, khoa học nhằm đưa ra những phương pháp để sau này, khi đưa vào áp dụng trong cuộc sống phải đảm bảo được tính hiệu quả và tính chính xác cao nhất./.

Xin cảm ơn ông!

Theo vov.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận