Nghệ An: Nhiều hộ dân vẫn bàng quan với dịch tả lợn châu Phi

Nhiều hộ chăn nuôi vẫn bàng quan khi tận dụng thức ăn thừa để nuôi lợn, bởi đây là nguy cơ xâm nhập vi-rút vào đàn lợn.

 

Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi; Có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền chăn nuôi của nước ta nói chung và mỗi hộ chăn nuôi nói riêng. Thế nhưng ở Nghệ An, người dân vẫn tỏ ra bàng quan với mức độ ảnh hưởng của đại dịch này.

Thống kê tiêu hủy lợn dịch tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu.Theo ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi thú y Nghệ An: Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại 276 hộ ở 124 xóm của 69 xã thuộc 17/21 huyện, thị. Tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy gần 2.000 con với trọng lượng gần 100 tấn. Trước nguy cơ này Chi cục đã tăng cường tuyên truyền khuyến cáo người dân các biện pháp chăn nuôi hạn chế tối đa việc lây lan của dịch. Tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức họp khẩn để triển khai các biện pháp ngăn chặn và chống dịch.

Ông Minh cho rằng, vi-rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường, kể cả các thức ăn thừa tại các nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt là các loại thức ăn như xúc xích, dăm bông… do khách ăn không hết, được đổ vào nơi chứa thức ăn thừa, và bà con lấy về. Khi nấu loại thực phẩm này ở nhiệt độ chưa đảm bảo thì vi-rút vẫn chưa chết và có nguy cơ xâm nhập vào đàn lợn của gia đình.

Tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hưng Nguyên đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Thế nhưng khi phóng viên có mặt tại xóm 3, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (trước đó, ngày 18/5, địa phương này đã từng công bố có dịch tả lợn châu Phi) thì hộ bà Nguyễn Thị Thọ vẫn chưa có biểu hiện lo lắng cho khối tài sản của mình là đàn lợn và bà vẫn chưa tự giác phun thuốc tiêu độc khử trùng.

“Tôi cũng nghe đài công cộng thông báo có dịch tả lợn châu Phi nhưng nghĩ nó ở xa và chưa liên quan đến nhà mình, một phần gia đình chưa có người nên cũng chưa phun thuốc khử trùng được”, bà Nguyễn Thị Thọ cho hay.

Tiếp giáp với xã Hưng Trung là xã Hưng Chính cũng bắt đầu xuất hiện dịch ở xóm 1 và xóm 2. “Sau khi đài truyền thanh của xã tuyên truyền đã có dịch tả lợn châu Phi ở xóm 1 và xóm 2 rồi, nên những hộ chăn nuôi ở xóm 3 rất lo bởi nhà tôi còn 28 con lợn (trong đó có 3 con lợn nái, ông Đặng Văn Luân lo lắng.

Giải thích tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Chính cho biết, xã cũng đã thường xuyên phát trên hệ thống loa, truyền thanh về tình hình lây lan dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ và tác hại khôn lường của dịch, thế nhưng người dân vẫn chưa thực sự vào cuộc trong công tác này.

“Các hộ nuôi nhỏ thì họ chủ quan, không để ý lắm, còn các hộ chăn nuôi nhiều thì họ chủ động phòng dịch hơn”, ông Nguyễn Hữu Vinh cho hay.

Tại huyện Diễn Châu, địa phương vừa được coi là dịch bùng phát trở lại với 11 xã và 15 xóm có dịch tả lợn châu Phi, thì người dân vẫn có thói quen chăn nuôi bằng các loại thức ăn tận dụng, nhằm tiết kiệm đầu vào cho việc chăn nuôi lợn. Hộ bà Ngô Thị Hoan trú xã Diễn Kỷ cho biết, cả gia đình cũng không biết rằng lợn nhà chết do nguyên nhân nào.

“Tôi nghĩ việc tận dụng thức ăn thừa nuôi lợn chứ có nuôi bằng cám cò đâu mà lợn mắc bệnh, bởi từ xưa đến giờ tôi xuất chuồng biết bao con lợn mà toàn nuôi lợn bằng nước gạo và thức ăn thừa từ các quán cơm”, bà Ngô Thị Hoan bày tỏ.

Công tác chống dịch không chỉ là sự lo lắng, quyết liệt của chính phủ, của tỉnh mà rất cần sự vào cuộc, cùng chung tay của mỗi hộ dân để hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lây lan rất cao như hiện nay.

Quốc Khánh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận