Trào lưu 'thích thì boom thôi': Thiếu chế tài giám sát và quản lý?

Đặt hàng online mang đến sự tiện dụng cho người dùng, shipper và các shop, nhưng cũng cho thấy sự hạn chế về chế tài giám sát và quản lý các nền tảng này.

 

Đặt hàng trực tuyến (online) nói chung hay thị trường gọi đồ ăn trực tuyến qua ứng dụng công nghệ nói riêng đang phát triển rầm rộ trong mấy năm trở lại đây, khiến thị trường này được đánh giá là mảnh đất màu mỡ, đầy “béo bở”.

Gọi đồ ăn qua ứng dụng công nghệ đang phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây. (Ảnh: Minh Thư).

Bên cạnh những ưu thế của nền tảng công nghệ mới này mang đến như sự tiện dụng cho khách hàng, tạo việc làm cho các shipper (người mua đồ hộ) và tăng lợi nhuận cho các cửa hàng mà không cần gia tăng chi phí hạ tầng, dịch vụ này đang bộc lộ những hạn chế của việc thiếu chế tài giám sát, quản lý các nền tảng mới.

“Bùng” hàng và chưa chế tài xử lý

Sự dễ dàng, thuận tiện trong việc đặt hàng cũng tạo ra lỗ hổng khi một số người dùng vì “vui đùa” hoặc “đặt cho vui” mà có thể đặt hàng với số lượng lớn sau đó “bùng” (không lấy hàng). Hậu quả cuối cùng là mạng xã hội, với nhiều cá nhân nhiệt tình có thể “thay mặt” cơ quan quản lý, phụ trách nền tảng, shipper và nhiều người dùng khác để lên tiếng hoặc trực tiếp xử lý.

Mới đây nhất, ngày 9/6, vụ việc cô gái "bùng" 20 ly trà sữa trị giá 1,2 triệu đồng đã bị cộng đồng mạng “truy lùng”. Cô gái đã lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng, mình không phải người đặt đơn mà là em trai cô. Cô chỉ là người đọc mã số gửi về điện thoại cho em trai chứ không hề biết chuyện gì đang xảy ra vì cô đang đi chơi ở Bình Thuận.

Ngoài lời kêu oan, cô gái cũng đăng kèm ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn giữa cô và anh shipper. Cô cho biết mình đã chủ động xin lỗi và đền bù thiệt hại cho anh shipper, mong cộng đồng mạng hiểu và không công kích, bình luận tiêu cực vào trang cá nhân của cô nữa.

Trước lời kêu oan của cô gái, cộng đồng mạng cho rằng đây là câu chuyện thêu dệt, do truy ra được em trai cô gái mới đang học lớp 1, khả năng có thể làm ra những việc này là rất thấp.

Cùng với đó, người shipper cũng cho biết anh chưa thấy tin tức cô hối lỗi hay thay mặt em trai cô xin lỗi, đền bù.

Đừng để đặt hàng cho vui thành trò “tiêu khiển” độc ác

Hiện tại câu chuyện bùng hàng của cô gái trẻ vẫn gây bức xúc trong cộng đồng mạng. Song đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc bùng hàng hoặc “đặt cho vui” của người dùng.

Trước đó, nhiều vụ bùng hàng với giá trị nhỏ hơn đã xảy ra cũng được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Lý do những người đặt hàng đó đưa ra là “đặt hàng cho vui”, “thích thì boom thôi”… khiến cộng đồng mạng bất bình.

Chỉ trong hai ngày 8 - 9/6, cộng đồng mạng đã phải “dậy sóng” vì liên tiếp xảy ra các vụ bùng hàng trị giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng.

Ngày 8/6, 2 shipper của dịch vụ GrabFood bị khách hàng “bùng” các đơn hàng trà sữa có giá trị 1,2 và 1,6 triệu đồng. Số tiền này đối với các shipper thực sự quá lớn, so với tiền công chỉ vài chục nghìn cho mỗi đơn hàng.

Chiều 9/6, ngoài vụ nữ sinh “bùng” 20 ly trà sữa, một nữ shipper Go-Food cũng bị “bùng” 490.000 đồng tiền 10 combo bánh hỏi thịt nướng giữa trưa hè nắng nóng khiến dân mạng hết sức bất bình…

Nhiều người cho rằng cần truy đến cùng để răn đe những bạn trẻ khác, vì việc đùa cợt trên sức lao động của người khác là điều không thể chấp nhận được. Ngoài ra, công ty nền tảng ứng dụng cần có chính sách hạn chế nạn “bùng” hàng, cũng như cơ quan chức năng sớm có chế tài quản lý để bảo vệ các bên khỏi trường hợp tương tự.

Việc đưa ra những chính sách cụ thể, chế tài quản lý rõ ràng đối với những mô hình dịch vụ công nghệ mới như đặt hàng trực tuyến có thể giúp đảm bảo môi trường phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Trần Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận