Không nên quy định tăng giờ làm thêm

Theo các ý kiến, lao động phải hướng tới tăng năng suất lao động dựa trên cải tiến công nghệ chứ không phải tăng giờ làm của người lao động.

 

Sáng nay 20/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nội dung được các thành viên Thường vụ Quốc hội tập trung góp ý kiến đó là các quy định liên quan đến tăng giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu.

Đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội không đồng tình với việc mở rộng khung thời gian thỏa thuận làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng 100 giờ so với luật hiện hành. Theo các ý kiến này, lao động, sản xuất phải hướng tới xu hướng tiến bộ của thế giới, của thời đại công nghiệp 4.0, đó là tăng năng suất lao động dựa trên cải tiến công nghệ chứ không phải dựa trên tăng giờ làm của người lao động. Nếu để phương án tăng thời gian làm thêm sẽ tạo sức ì khiến doanh nghiệp thay vì phải đầu tư vào công nghệ hiện đại để hiện đại hóa sản xuất thì lại tận dụng sức lực của người lao động.

Theo các ý kiến, lao động phải hướng tới tăng năng suất chứ không phải tăng giờ làm của người lao động (ảnh: KT)Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị: “Việc làm thêm giờ liên quan đến tăng năng suất lao động. Quan điểm của tôi việc tăng năng suất lao động không phải dựa vào sức người mà phải dựa vào sự đổi mới của công nghệ trong sản xuất. Cho nên nếu Quốc hội không cho phép tăng giờ làm thêm thì đương nhiên doanh nghiệp đó suy nghĩ phải làm sao đổi mới công nghệ và đưa công nghệ hiện đại vào đây. Chúng ta đang hướng tới một nền công nghệ hiện đại 4.0, phải đổi mới công nghệ”.

Cho rằng mặc dù việc tăng giờ làm thêm lên trên 300 giờ hiện nay vẫn đang tồn tại ở một số doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu vì vậy mà quy định vào Bộ Luật lao động sửa đổi lần này, trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra và chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng khai thác sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức khỏe sớm hơn so với tuổi lao động và ảnh hưởng tới việc chăm sóc gia đình. Để nâng cao đời sống cho người lao động, có nhiều cách trong đó có tăng hàm lượng chất xám, tăng giá trị sản phẩm, chứ không phải chỉ là tăng thời gian lao động để tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến: “Lao động công nhân bây giờ đang 48 tiếng/1 tuần. Bây giờ lại nâng lên, kéo dài khung thời gian thỏa thuận lên 400 giờ, như thế là đi ngược với xu thế lộ trình của chính chúng ta. Thứ 2 là những nơi khác người ta giảm thời gian lao động, nhưng người ta vẫn đảm bảo về đời sống, về y tế, về chăm sóc sức khỏe về các mặt khác. Vậy chúng ta cũng phải phấn đấu như thế chứ không phải chỉ tăng thời gian làm thêm đâu”.

Một số ý kiến cho rằng, thực tế việc tăng thời gian lao động thực sự cần thiết ở một số ngành nghề và ở nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực như da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… Do vậy cũng nên cân nhắc có nên quy định mở rộng khung giờ làm thêm đối với một số ngành nghề, để tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên phải có sự thỏa thuận hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Riêng lao động rõ ràng trong thực tiễn có làm vượt qua 300 giờ theo luật định, nhưng không vì thế mà chúng ta luật hóa đưa lên 400 hay 500 giờ. Vấn đề này chúng ta còn cân nhắc về tài sản quý giá, nguồn lực quan trọng của đất nước để phát triển một cách bền vững đất nước. Một số ngành nghề chúng ta sẽ xem xét cho sử dụng nhưng với điều kiện nếu sử dụng trên 300 giờ phải có tiền công tiền lương, phải có chế độ bảo vệ sức khỏe tái tạo sức lao động tốt hơn”.

Về nâng tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến đồng tình với việc cần quy định tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên cần đảm bảo lộ trình hợp lý. Theo đó đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Nguyên Nhung/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận