Làng nghề tỷ phú Đồng Kỵ đối diện nguy cơ bị 'xóa sổ'

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề đồ gỗ Đồng Kỵ (TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) đang lâm cảnh 'khuynh gia bại sản' do thua lỗ khi sản phẩm không có đầu ra.

 

Khốn khó làng nghề đồ gỗ Đồng Kỵ

Trong những năm đầu 2000 cho đến 2015, thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, nay là phường Đồng Kỵ được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của huyện Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh bởi sự phát triển thăng hoa của nghề gỗ mỹ nghệ.

Chỉ trong thời gian ba năm, từ 2000 đến 2003, tại đây đã có gần 500 doanh nghiệp tư nhân ra đời, nên nhiều người vẫn nói vui rằng nơi đây là “Làng giám đốc” hay “Làng tỷ phú”, bước chân ra ngõ là gặp giám đốc.

Việc ví von này cũng chẳng ngoa, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp nơi đây là biết vận dụng cơ chế thị trường, thạo buôn bán, cho nên nhiều người thợ vốn chỉ quen với tay đục, tay tràng đã mạnh dạn đứng lên lập doanh nghiệp, vươn mạnh ra thị trường trong nước và quốc tế.

Sự phát triển “nóng” của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ kéo dài đến những năm 2015 thì bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân do hàng hóa sản xuất ra nhiều song đầu ra hạn chế, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc nay tụt dốc thê thảm; lượng khách mua ngày một ít đi.

Các đơn vị có thương hiệu, uy tín thì vẫn còn hoạt động cầm chừng, nhưng đối với những cở sở sản xuất mới, vốn mỏng, thị trường hẹp thì cơ bản đã giải thể hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh, thậm chí phá sản. Đặc biệt từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 đến nay, đã có không ít cửa hàng phải đóng cửa, nhà nào còn mở thì cũng đìu hiu, vắng vẻ, khách xem hàng đã ít, khách mua hàng lại càng ít hơn.

Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, cho biết, hiện nay tình hình kinh doanh của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ là rất kém và đang rơi vào tình trạng thất thu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng sản xuất đều bị ứ đọng, ế ẩm.

Ngày trước, vào thời cao điểm của việc buôn bán hưng thịnh, dọc các con đường vào làng, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng đục đẽo, tiếng khoan, tiếng máy cưa, máy xẻ rộn ràng ngõ xóm. Còn hiện nay, nhà nào nhà nấy cũng chỉ sản xuất cầm chừng, mỗi xưởng nhân công làm chỉ còn một vài người, thậm chí có xưởng phải tạm ngưng hoạt động, công nhân thì không có việc làm.

“Hàng hóa ế ẩm không bán được, vốn bị ứ đọng, nhiều chủ cơ sở lâm vào tình cảnh khốn khó khi trót vay tiền ngân hàng để “ôm hàng” mà không kịp quay vòng vốn. Những lô gỗ được mua vào ở thời điểm giá cao nay tụt xuống một nửa mà cũng không có người mua, cộng với tiền vay lãi sinh sôi, nhiều cơ sở rơi vào cảnh mất trắng”. Ông Vũ Quốc Vương cho biết thêm.

Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gỗ đang lâm vào cảnh khó khăn, gia đình anh Dương Văn Mười, 46 tuổi, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã hơn 20 năm nay cho biết, những năm trước đây gia đình anh và các chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ ở địa phương làm ăn thuận buồm xuôi gió, kinh tế khá giả.

Thời gian gần đây do phải nhập nguồn nguyên liệu gỗ từ Lào, Campuchia về với giá thành cao, nhưng sản phẩm làm ra lại không bán được, hàng hóa bị tồn động nên thường xuyên phải bù lỗ. Hàng tháng gia đình anh Mười phải gánh số tiền lãi của khoản vay gần 20 tỷ đồng, chưa kể số tiền vốn đầu tư của gia đình.

Do vậy, giờ đây gia đình anh Mười đang lâm vào hoàn cảnh rất “ bi đát” về kinh tế. Nếu tình trạng này cứ kéo dài đến hết năm nay và sang đầu năm sau thì có rất nhiều hộ gia đình kinh doanh, sản xuất gỗ của Đồng Kỵ cùng vướng vào cảnh vỡ nợ, trắng tay.

“Gia đình tôi vừa bị ngân hàng siết nợ một ngôi nhà. Còn ngôi hiện nay gia đình đang ở cũng trong tình trạng chờ gán nợ. Trước đây, cơ sở sản xuất của tôi lúc nào cũng có mấy chục nhân công nhưng hiện giờ phải cho nghỉ hết. Hiện nay thanh niên và người dân Đồng Kỵ lâm vào cảnh thất nghiệp nhiều", anh Mười ngậm ngùi chia sẻ.

Cái giá phải trả khi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?

Lý giải cho tình trạng này, nhiều chủ cơ sở sản xuất tại Đồng Kỵ cho biết, từ trước cho đến giờ, thị trường chính của làng nghề chủ yếu vẫn là Trung Quốc, nên thương lái Trung Quốc dừng thu mua sản phẩm thì tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải hoạt động cầm chừng, nếu không muốn phá sản.

Theo Anh Chử Văn Nhung, Chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Việt Trung ở Đồng Kỵ, thị trường Trung Quốc nếu gặp thời điểm tốt thì 1 cơ sở sản xuất bình quân mỗi 1 tháng ra hàng khoảng 3 đến 5 sản phẩm có giá trị rơi vào vài trăm triệu. Nhưng hiện trạng bây giờ thậm chí có nhiều gia đình 6 tháng không bán được bộ sản phẩm nào.

“Mặc dù cứ vài năm tình trạng trên lại tái diễn một lần nhưng làng nghề vẫn chưa thực sự tìm được hướng giải quyết sao cho tối ưu nhất. Thị trường Trung Quốc đang rơi vào tình trạng đóng băng kéo theo các doanh nghiệp nhập khẩu tại Đồng Kỵ cũng lao đao”, anh Nhung nói.

Anh Vũ Văn Quyền, chủ một cơ sở kinh doanh đồ gỗ ở Đồng Kỵ cũng cho biết: "Những năm trước, thị trường gỗ đang lên, nhiều người làm ăn phất lên nhanh chóng, nhưng sau đó thị trường đảo chiều, nhiều người lúc ôm gỗ thì giá cao, đến khi bán ra giá thấp khiến lợi nhuận sụt giảm, thâm hụt cả vào vốn gốc. Lúc thị trường đi lên, người ta vay nhiều để làm cố, cứ nghĩ giá còn lên nữa, nhưng hóa ra sau giá càng ngày càng xuống thấp và họ không kịp bán, thế là lỗ”.

Trong khi thị trường Trung Quốc đang rơi vào tình trạng đóng băng thì thị trường trong nước cũng không mấy khả quan, sức tiêu thụ chậm, yêu cầu cạnh tranh mẫu mã lại khắt khe, mặt hàng tiêu dùng chính cũng chỉ là sản phẩm từ gỗ hương, gỗ mun có giá thành vừa phải. Riêng loại gỗ trắc có giá đắt đỏ gấp 2-3 lần thì chủ yếu thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc.

Ông Dương Đức Sinh, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết, hiện nay Đồng Kỵ chỉ còn khoảng gần 100 doanh nghiệp kinh doanh gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, do hàng hóa ế ẩm nên nhiều hộ gia đình lâm vào tình trạng phá sản. Hơn 40 % các hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất đã bỏ nghề truyền thống để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác để cầm cự, gồng gánh trả nợ ngân hàng.

"Từ đầu năm đến nay có hàng trăm thanh niên của địa phương đến UBND phường xin xác nhận sơ yếu lý lịch để đi đến các công ty tìm kiếm làm. Tình trạng này cứ tiếp diễn thì không còn ai tiếp tục theo nghề đồ gỗ Đồng Kỵ nữa.

Do nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, bị ngân hàng siết nợ thu hồi tài sản, nên vừa qua UBND phường đã phải phối hợp với Công an thị xã Từ Sơn và Chi cục Thi hành án để cùng các ngân hàng giải quyết vấn đề vay nợ với doanh nghiệp", ông Dương Đức Sinh thông tin.

Lối thoát nào cho Đồng Kỵ?

Anh Nguyễn Hồng Sơn, một khách hàng hiếm hoi từ tỉnh Phú Thọ đến mua sản phẩm đồ gỗ Đồng Kỵ trong thời điểm này cho biết: “So về giá thành và chất lượng thì sản phẩm của Đồng Kỵ vẫn hơn với các thị trường làng nghề khác. Tuy nhiên, các sản phẩm phải có mẫu mã mới, chất lượng đảm bảo, kỹ thuật tốt thì mới giữ được khách hàng vì thị trường”.

Theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ, tình trạng đìu hiu ở làng nghề Đồng Kỵ trong thời gian tới sẽ còn bi đát hơn nếu các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ không thay đổi tư duy, cải thiện công nghệ máy móc. Phải thay đổi các mẫu mã, chủng loại gỗ làm sao để hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để thuận lợi cho khách hành kiểm chứng chất lượng sản phẩm. Ngoài ra là thay đổi tư duy, cải thiện công nghệ máy móc.

Các cơ quan chức năng ngành gỗ cần rà soát lại tình hình tồn động sản phẩm của làng nghề để chấm dứt các mặt hàng gỗ quý hiếm có nguồn gốc từ Lào, Campuchia, Thái Lan. Đồng thời các doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất cần xâm nhập dần các thị trường mới khó tính. Làm sao phải sản xuất các mặt hàng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong thị trường nội địa, các loại gỗ phải thân thiện với môi trường.

"Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đang xây dựng kế hoạch chương trình Hội thảo trao đổi kinh nghiệm của người dân làng nghề và các doanh nghiệp địa phương với ngành gỗ Việt Nam. Đồng thời thiết lập chương trình làng nghề khởi nghiệp để kêu gọi các tổ chức đứng lên hỗ trợ, ưu đãi cho làng nghề", ông Vũ Quốc Vương cho biết thêm.

Các cửa hàng bày bán sản phẩm đồ gỗ Đồng Kỵ luôn trong cảnh chờ khách.

Theo ông Dương Đức Sinh, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ: Đa phần các chủ cơ sở sản xuất của Đồng Kỵ đang không chú trọng việc phát triển các mặt hàng ở thị trường nội địa. Mặc dù thị trường nội địa không mua bán ào ạt, chậm nhưng mà chắc.

Để tiếp tục duy trì được làng nghề, cách tốt nhất là thay đổi đối tượng mua bán hàng, ưu tiên cho khách nội địa. Về mặt tài chính, tiền lãi không cao nhưng là cách tốt để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn này, tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu của làng nghề truyền thống trong thời gian tới.

“Hiện, chính quyền địa phương đang cùng các doanh nghiệp kêu gọi sự hỗ trợ đầu tư của các tổ chức, các cá nhân để có thêm nguồn vốn "chống lưng" cho các sản phẩm trong thời điểm bị ứ đọng. Trong đó, UBND phường Đồng Kỵ đang liên kết huy động sự đầu tư của hai doanh nghiệp của Hàn Quốc với kinh phí 500 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng hiện nay của làng nghề”, ông Sinh nói.

Không chỉ riêng thị trường đồ gỗ mỹ nghệ mà rất nhiều mặt hàng khác của Việt Nam hiện nay vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc. Nếu các doanh nghiệp tại đây không tạo được chỗ đứng ổn định, mẫu mã sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu thi hiếu của khách hàng, tập trung nghiên cứu thị trường nội địa làm nền tảng vững chắc, đồng thời vươn ra các nước khác trên thế giới thì có lẽ tình trạng như Đồng Kỵ sẽ còn tái diễn.

Các cơ sở sản xuất sản phẩm đồ gỗ ở Đồng Kỵ luôn ở trong thế bị động, trông chờ và phụ thuộc… Cứ đà này tiếp diễn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân địa phương Đồng Kỵ sẽ dần bỏ nghề truyền thống để tìm kiếm công việc khác nhằm mưu sinh. Như vậy, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ lẫy lừng một thời có thể bị “xóa sổ”.

Tiến Dũng/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận