Ánh sáng và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống - AUDCS 2019

Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐHBK HN, Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống phối hợp tổ chức Hội thảo "Ánh sáng và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống - AUDCS 2019"

 

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Viện Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống - Hội chiếu sáng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Ánh sáng và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống - AUDCS 2019”

Thời gian qua, điện mặt trời (ĐMT) ở Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng tất yếu. Cụ thể, có hơn 330 dự án điện mặt trời (ĐMT) trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện, trong đó có 121 dự án đã được phê duyệt 61.000 MW và 2030 là 7.200 MV. Tính đến tháng 9 năm 2019 tổng công suất điện mặt trời đang vận hành là 4.442 MW, tập trung ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tiêu biểu là nhà máy ĐMT Dầu Tiếng, Tây Ninh lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp sản lượng điện 700 triệu KWh/năm.

                                    Phát triển điện mặt trời là xu hướng tất yếu. Nguồn: EVN                     

Cùng với xu hướng tất yếu của ĐMT, chiếu sáng LED không chỉ mang lại hiệu quả ánh sáng mà còn có những đóng góp to lớn trong y sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Tuy nhiên, để ĐMT và chiếu sáng LED có những bước phát triển và đem lại hiệu quả cao hơn nữa thì cần có cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy nghiên cứu chuyên sâu và sự kết hợp chặt chẽ giữa Hội chiếu sáng Việt Nam với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cùng với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phát biểu tại Hội nghị PGS.TS Nguyễn Đức Chiến, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa cho biết: “Hiện nay sản phẩm đèn LED trôi nổi rất nhiều, chất lượng và giá cả có sự chênh lệch giá gây khó khăn trong quản lý, điều hành. Vì thế cần có cơ chế chính sách của Nhà nước tiêu chuẩn hóa và thúc đẩy phát triển, bởi đây là xu hướng không thể đảo ngược”. Điều mà PGS.TS Nguyễn Đức Chiến đặc biệt quan tâm là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực từ kỹ thuật viên, thạc sỹ, tiến sĩ... Theo ông Chiến, Viện Vật lý kỹ thuật là nơi đầu tiên đào tạo kỹ sư về chiếu sáng, sản xuất kinh doanh về chiếu sáng. Hi vọng Hội thảo là bước mở đầu cho quan hệ của Hội chiếu sáng với các trường, các viện nghiên cứu để đưa chiếu sáng vào cuộc sống.

PGS Đặng Đình Thống, Hội KHCN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả VN (VECEA) cho rằng: “ĐMT phải là một trong những công nghệ điện ưu tiên phát triển tại Việt Nam. Để phát triển ĐMT hiệu quả cần sớm ban hành chính sách phát triển công nghệ ĐMT nói riêng và công nghệ năng lượng tái tạo nói chung theo hướng ưu tiên phát triển các công nghệ năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính phát triển bền vững”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận