Gia nhập Công ước 105: Tiến tới xóa bỏ lao động cưỡng bức

Để chuẩn bị cho việc gia nhập Công ước 105, Bộ LĐ-TB&XH vừa trình hồ sơ xem xét gia nhập Công ước lên Chính phủ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5

 

Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức là 1 trong 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), được thông qua ngày 25/6/1957. Tính đến ngày 26/3/2020 có 173/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này.

Với tư cách thành viên của ILO, đến nay, Việt Nam đã gia nhập 24 công ước của ILO, trong đó có 6/8 công ước cơ bản. 2 công ước cơ bản còn lại Việt Nam chưa gia nhập là công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc gia nhập Công ước 105 góp phần bãi bỏ hành vi cưỡng bức lao động ra khỏi đời sống, bảo vệ tốt hơn quyền con người, giảm thiểu các tác động tiêu cực toàn cầu hóa và hài hòa quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là một thành phần của “giấy thông hành”, giúp cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ. Hiện nay, ở nhiều nơi, nhất là ở các thị trường phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ..., các nhà nhập khẩu đều không chấp nhận những sản phẩm do lao động cưỡng bức làm ra. Chính vì thế, việc phòng, chống các hành vi cưỡng bức lao động khuyến khích DN không thực hiện các hành vi cưỡng bức lao động, góp phần giúp cho hàng hóa của các DN khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị cấm nhập hoặc bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù Luật Lao động 2019 của Việt Nam có nhiều điểm tương thích với Công ước 105 nhưng vẫn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như các cam kết về lao động, thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và thành lập nhóm tư vấn trong nước nhằm theo dõi việc thực thi các cam kết thương mại. “Với sự tham gia của đại diện người lao động, đại diện các DN, các nhà khoa học… có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam. Trong thời gian qua, Chính phủ đã thảo luận, cân nhắc rất kĩ về định hướng, lộ trình, cách thức sửa đổi các văn bản pháp luật phê chuẩn các công ước của ILO. Thách thức nảy sinh sẽ được giải quyết thông qua việc xây dựng những quy định phù hợp về điều kiện, thủ tục thành lập, quản lý đăng kí hoạt động, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật” - ông Khánh nêu ý kiến. 

việc gia nhập Công ước 105 góp phần bãi bỏ lao động cưỡng bức.

Khẳng định việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, việc gia nhập Công ước số 105 tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo lộ trình, dự kiến Việt Nam sẽ gia nhập Công ước số 105 vào năm nay. Tuy nhiên, hồ sơ xin gia nhập cần bổ sung và làm rõ thêm một số nội dung như: Tác động về lao động, việc làm và an sinh xã hội; vấn đề áp dụng tự động hóa trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; các biện pháp phi thuế quan trong lĩnh vực dược phẩm; cam kết của Việt Nam trong một số ngành dịch vụ và đầu tư cụ thể./.

Kim Thanh 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận